10/01/2012 - 22:33

Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu

Hành vi buôn lậu không còn thuần túy theo hình thức cất giấu hàng trên các loại phương tiện vận tải như trước kia. Nó đang biến dần sang một loại hình tội phạm nguy hiểm hơn qua việc lợi dụng sơ hở về chính sách quản lý để trốn thuế, thẩm lậu hàng. Cuộc chiến chống buôn lậu hiện nay chẳng những phải làm tan các tảng băng nổi mà còn phải phá vỡ các tảng băng chìm ẩn sâu.

19.618 vụ vi phạm

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, nước ta đang trong giai đoạn hội nhập tiến tới tự do hóa thương mại. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển kinh tế của đất nước song cũng tiềm ẩn yếu tố bất lợi và việc xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn buôn lậu tinh vi, phức tạp, có tính chất xuyên quốc gia đã phần nào nói lên điều đó.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến cuối năm 2011, toàn ngành phát hiện và bắt giữ 19.618 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa là 640 tỉ đồng; trong đó, khởi tố 8 vụ và chuyển cơ quan khác điều tra 75 vụ. Đánh giá của Tổng cục Hải quan cho thấy buôn lậu trong năm qua có tính chất tinh vi, kín đáo và khó phát hiện hơn.

Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ kiểm tra phương tiện vận chuyển dầu nhập lậu. Ảnh: XUÂN ĐÀO. 

Nhớ lại số vụ được trực tiếp tham gia phá án, một cán bộ thuộc Tổng cục Hải quan phải thốt lên rằng, buôn lậu bây giờ toàn sử dụng xe xịn, biển giả thậm chí có cả biển xanh với hình thức giấu hàng tinh vi. Do vậy, việc bắt giữ được hàng đã khó, tìm được đúng chủ càng khó hơn nhiều.

Quả thật, hiện nay đối tượng buôn lậu đã và đang sử dụng rất nhiều cách thức khác nhau để hòng lọt qua cửa của các cơ quan chức năng. Cụ thể, chúng tỉ mỉ gia cố chiếc xe chở khách bằng việc tạo các hộc nhỏ kín đáo mà người lớn không thể chui vừa để giấu hàng. Các đối tượng này còn ngụy trang phía ngoài bằng nhiều hàng hóa thông dụng khác như: than củi, nông sản hay vật liệu xây dựng... Do vậy, khi bị phát hiện, lực lượng chức năng cũng rất vất vả mới lấy được hàng ra.

Bên cạnh đó, thời gian vận chuyển cũng như cách thức đều được đối tượng tính toán kỹ càng. Đối với những trường hợp vận chuyển hàng với số lượng lớn, chúng sẽ bố trí nhiều xe với 1 xe tiền trạm dẫn đường. Xe dành chở hàng sẽ liên tục thay biển kiểm soát giả trên từng chặng nhằm tránh sự theo dõi, kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhiều cán bộ ngành Hải quan cho rằng, đáng sợ hơn là chúng lợi dụng, kích động người dân bao vây quanh xe khi hàng bị bắt giữ, khiến việc xử lý trở nên khó khăn.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép pháo nổ, pháo hoa các loại đang diễn biến hết sức phức tạp với tổng số pháo nhập lậu đã bị bắt giữ lên tới 1.876 kg. Các đối tượng thường xuyên dùng thủ đoạn chia nhỏ, cất giấu pháo được mua từ Trung Quốc vào trong thùng catton, bao tải hoặc vùi trong những hàng hóa khác để vận chuyển vào nội địa. Bên cạnh đó, một số mặt hàng vi phạm nhiều trong thời điểm giáp tết cũng đang có chiều hướng gia tăng như thuốc lá, rượu ngoại, mỹ phẩm, gia cầm...

Lợi dụng kẽ hở quản lý

Hiện nay, nhiều đối tượng buôn lậu lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất của ngành hải quan để thẩm lậu hàng vào nội địa. Chúng sử dụng thủ đoạn: kê khai hàng thuộc đối tượng được ưu tiên thuế, hàng hóa đơn giản để xếp vào luồng xanh. Bởi theo nguyên tắc tự động phân luồng, luồng xanh sẽ thuộc đối tượng được miễn kiểm, ưu tiên cho thông quan.

Về vấn đề này, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng hoạt động quản lý hàng tạm nhập tái xuất hiện nay còn nhiều bất cập dẫn tới tình trạng thẩm lậu hàng vào nội địa. Việc này thể hiện tại bản kê khai hàng hóa sơ bộ của các doanh nghiệp không thể hiện là hàng tạm nhập, tái xuất và cơ quan hải quan chỉ biết rõ khi doanh nghiệp mở tờ khai. Vô hình trung đã khiến các ngành chức năng khó chủ động trong việc bố trí lực lượng kiểm kê, kiểm soát. Bên cạnh đó, tại các cảng hiện nay không có địa điểm để bố trí phân định rõ hàng hóa chờ nhập, chờ xuất cũng dẫn tới việc giám sát, kiểm soát hàng gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Cục Hải quan Hải Phòng cho thấy, năm 2011, tổng trọng lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cảng Hải Phòng là 36 triệu tấn. Trong đó, tỷ lệ hàng hóa theo hình thức tạm nhập, tái xuất chiếm tới 30-35%. Đây là số lượng hàng hóa tương đối lớn, có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu của Hải Phòng.

Thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã phát hiện được nhiều vụ việc liên quan đến việc đối tượng lợi dụng sơ hở về vấn đề quản lý hàng tạm nhập, tái xuất để thẩm lậu hàng vào Việt Nam; trong đó có những mặt hàng có giá trị cao. Cụ thể, Hải đội 1 thuộc Cục điều tra chống buôn lậu đã bắt giữ 3 tàu Quốc tịch Trung Quốc vận chuyển trái phép khoảng 300 tấn dầu Diesel với tổng giá trị hàng hóa ước tính 6 tỉ đồng. Cục Hải quan Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ 57.600 kg đường tinh luyện xuất xứ Hàn Quốc giấu dưới các bao bì mang nhãn hiệu bột khoai tây đưa vào nội địa tiêu thụ...

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng hồ sơ giả mạo cũng được đối tượng lợi dụng triệt để. Thậm chí, nhiều trường hợp sử dụng hình thức trà trộn loại khoáng sản có giá trị kinh tế lớn xuất cùng với loại có giá trị thấp nhưng không khai báo số có giá trị cao. Điển hình như vụ phát hiện, bắt giữ 7.600 tấn than, quặng các loại với tổng giá trị ước tính 19,9 tỉ đồng của Hải đội kiểm soát trên biển khu vực miền Bắc và Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Trung. Thời gian qua, tại một số chi cục của Hải quan: Quảng Ninh, Đồng Nai... cũng phát hiện nhiều đối tượng vi phạm là doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, lắp ráp lợi dụng bất cập về chính sách, hình thức ưu đãi về thuế, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận định mức nguyên liệu, phụ liệu...

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, để giải quyết được những tồn tại trên ngành Hải quan cần kiểm tra lại các quy định, quy trình nghiệp vụ kiểm soát hải quan liên quan đến vấn đề hàng tạm nhập tái xuất như Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005, Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 6-12-2010 về việc hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra sát hải quan; quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ông Hùng cũng đề nghị trong trường hợp tạm nhập một cửa khẩu, tái xuất một cửa khẩu thì phải có cơ chế hồi báo trong ngày.

Ngoài ra, trên cơ sở các vụ việc đã được xử lý cần kịp thời cảnh báo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để từng đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp.

Đại diện Cục Hải quan Hải Phòng đưa ra ý kiến, nhằm xiết chặt quản lý đối với loại hình tạm nhập, tái xuất thì các đơn vị tránh thực hiện mở tờ khai ngoài giờ hành chính, phía cửa khẩu tạm nhập hàng cần gửi danh sách hàng hóa tới cho lực lượng hải quan biên giới trong thời gian sớm nhất để phối hợp kiểm soát hàng chặt chẽ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có hàng tạm nhập tái xuất trên hồ sơ vận tải đơn và tờ khai sơ bộ cần thể hiện rõ loại hình trên để các cơ quan chức năng nắm bắt được thông tin qua đó có phương án quản lý cũng như chống nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến việc trung chuyển hàng hóa thuộc danh mục cấm.

Nhiều cục Hải quan địa phương khác cũng kiến nghị, trong thời gian tới, ngành phải xây dựng được hệ thống thông tin khách hàng, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để nắm rõ thông tin và có phương án theo dõi kịp thời, sát thực hơn. Ngoài ra, công tác phối hợp với lực lượng chức năng khác trong việc thu thập, trao đổi thông tin cũng cần được chú trọng. Trong thời gian tới, ngành Hải quan cũng cần kiên quyết đấu tranh với những hành vi gian lận trong khai báo Hải quan (khai sai về số lượng; sai về mã hàng, về xuất xứ...); thủ đoạn lợi dụng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa (phân luồng xanh), làm giả và sử dụng hồ sơ, chứng từ hải quan giả...

HẢI YẾN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết