10/05/2020 - 10:12

Giải trí online-xu hướng tất yếu 

Online, trực tuyến - những thuật ngữ quen thuộc thời công nghệ số, lại càng thịnh hành hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. “Hậu COVID-19”, giải trí online liệu có trở thành xu hướng tất yếu?

Du lịch online là cách làm linh động mùa dịch COVID-19. Trong ảnh: Khách nước ngoài tham quan Di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội) trước khi có dịch COVID-19.

Chào mừng Đại thắng mùa Xuân 1975, chùm tác phẩm đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được giới thiệu với công chúng trên trang web và Fanpage của bảo tàng. Dù phải ở nhà để phòng dịch bệnh, song người yêu mỹ thuật trên khắp thế giới vẫn có thể xem những bức tranh để đời, mang giá trị lịch sử cao như tranh bột màu “Nắng tháng năm” của Họa sĩ Quách Phong vẽ năm 1975; tác phẩm sơn dầu “Nắng xuân 1975” của họa sĩ Nguyễn Quang Thọ, sáng tác năm 1975; bức sơn mài “Mẹ kháng chiến” được họa sĩ Hoàng Trầm vẽ năm 1980… Với những thuyết minh cặn kẽ, hình ảnh sắc nét, người xem có cảm giác như xem tranh vẽ thật ở phòng triển lãm. Nguyễn Tấn Bảo, một người đam mê hội họa ở Cần Thơ, cho biết: “Kỹ thuật chụp ảnh từ tranh tốt nên tác phẩm triển lãm trực tuyến chân thật, dễ cảm thụ hơn. Triển lãm thật ý nghĩa giữa những ngày tháng Tư lịch sử”.

Cũng ở lĩnh vực nghệ thuật, việc nghệ sĩ Việt tổ chức các đêm diễn trực tuyến, phát hành các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc… thông qua kênh YouTube, POPS… dù không mới nhưng thịnh hành hơn giữa mùa dịch COVID-19. Một số sản phẩm gần đây của các nghệ sĩ: Hồng Vân, Huỳnh Lập… đã gặt hái thành công lớn. Như với phim “Đại Kê chạy đi”, NSND Hồng Vân đã lọt vào top thịnh hành trên YouTube chỉ sau vài giờ phát hành và hiện đã đạt hàng chục triệu lượt xem.

Ngành Du lịch cũng không ngồi yên trước sự trầm lắng vì dịch bệnh COVID-19. Nhiều đơn vị đã cung ứng các dịch vụ tham quan trực tuyến khá thú vị bên cạnh các trang web du lịch nổi tiếng như Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor... Mới nhất là ngày 29-4 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng tour tham quan ảo 360o tại Di tích cách mạng Nhà và hầm D67 cùng với triển lãm online “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng”. Tour tham quan ảo tại Di sản Hoàng thành Thăng Long được ứng dụng phần mềm mã QR, cho phép người xem tìm hiểu không gian kiến trúc cùng các giá trị tiêu biểu của di tích Nhà và hầm D67 - Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1968-1975, nơi chứng kiến sự ra đời của những quyết sách, chỉ thị, chiến lược quan trọng, làm nên chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng với mã QR, du khách sẽ tham quan triển lãm “Thần tốc - Táo bạo - Bất ngờ - Chắc thắng” để hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng, về niềm vui “Bắc Nam sum họp một nhà”. Tour tham quan ảo và triển lãm online này đang diễn ra đến hết ngày 31-5-2020.

Theo tìm hiểu thực tế tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), hình thức “Tham quan 360 độ” trên website của di tích này đã được triển khai khá lâu, giúp du khách tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu trên thế giới. Giai đoạn di tích đóng cửa phòng dịch COVID-19, các hoạt động quảng bá Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn được thực hiện trên YouTube và trang web. Hay với ai yêu mến gốm sứ Bát Tràng, dù làng nghề tạm dừng đón khách, nhưng du khách hoàn toàn có thể tham quan online thông qua website Battrangtour.net.

Những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, người ta lại thấy vai trò của internet. Việc tận dụng công nghệ số để phục vụ tiện ích cộng đồng, nói riêng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đang tỏ ra hiệu quả. Với phương thức này, vừa giúp có đông người xem, lại ít tốn kém và lâu dần tạo lập tài nguyên số của mỗi đơn vị.

Dịch bệnh COVID-19 là vấn đề thách thức toàn cầu; đồng thời cũng là dịp để nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có văn hóa, giải trí, du lịch, đánh giá lại tiềm năng, thực lực và linh động các hình thức hoạt động để tiếp cận với công chúng. Trong đó, hình thức online là một gợi ý khả thi.

Bài, ảnh: Duy Lữ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Giải trí online