29/10/2021 - 11:25

Giải pháp phát huy hiệu quả dạy và học trực tuyến 

Bài cuối: Giải bài toán nâng cao chất lượng

BÍCH KIÊN (Lược ghi)

Để nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến, nhiều ý kiến đề xuất, thực hiện chuyển đổi số ngành Giáo dục từ chuyên gia, đại diện Sở Giáo dục và Giáo dục (GD&ĐT) TP Cần Thơ, giáo viên, học sinh ở các trường phổ thông... 

* PGS.TS Trần Văn Minh, Phó Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ: NÊN CÓ CHỈ ĐẠO PHÙ HỢP VỚI HỌC SINH KHỐI 12 ĐÃ CÓ 3 NIÊN KHÓA HỌC TẬP KHÔNG ỔN ĐỊNH VÌ DỊCH BỆNH.  

- Từ cuối năm 2019 đến nay, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ triển khai hình thức dạy và học trực tuyến nhằm ứng phó, thích nghi với tình hình dịch bệnh COVID-19. Năm nay, ngành Giáo dục thành phố đã chủ động chuẩn bị công tác này, kể cả nhà trường, phụ huynh, học sinh. Sau hơn một tháng dạy học trực tuyến, tôi thấy yếu tố con người vẫn là quan trọng và đang gặp khó. Một số học sinh, giáo viên sống trong không gian chung của gia đình, sẽ khó tránh khỏi bị môi trường xung quanh ảnh hưởng. Yếu tố kỹ thuật không như mong muốn, ngay cả vùng nội ô thành phố. Tâm lý xã hội vẫn nghĩ dạy học trực tuyến là đối phó tình thế, dẫn đến dễ dãi, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng.

Đại diện Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - chi nhánh Cần Thơ và Quỹ Hy vọng trao máy tính cho đại diện Sở GD&ĐT thành phố để hỗ trợ học sinh khó khăn. Ảnh: B.NG

Thêm cái khó nữa là về giảm tải và kiểm tra, đánh giá. Thời gian qua, Bộ GD&ÐT đã 2 lần giảm tải chương trình, cắt giảm nội dung có tính chất thực hành, thí nghiệm… Việc này vô tình ảnh hưởng đến định hướng tăng cường thực hành, phát huy năng lực của học sinh theo chương trình mới. Kiểm tra, đánh giá sẽ khó khăn về hình thức, cách thức ra đề... Hiện nay, các trường phổ thông chưa tổ chức kiểm tra định kỳ cho học sinh, nếu duy trì dạy học trực tuyến đến hết học kỳ I, thì phải có hướng dẫn chung để các trường tổ chức. Cần xem việc kiểm tra, đánh giá định kỳ như những công tác bình thường khác trong dạy và học, không nên nặng nề. Mục tiêu của kiểm tra, đánh giá là để việc dạy học được tốt hơn.

Ðến năm học 2021-2022, thì học sinh khối 12 có 3 niên khóa kế hoạch học tập không ổn định vì dịch bệnh. Cho nên Bộ GD&ÐT nói chung và Sở GD&ÐT TP Cần Thơ nói riêng nên lưu ý đến yếu tố này để có các chỉ đạo công tác thi tốt nghiệp THPT phù hợp. Hiện nay, tình hình dạy và học ở các địa phương khác nhau do dịch bệnh, do đó tôi đề xuất giao quyền tự chủ xét tốt nghiệp về các địa phương, dưới sự chỉ đạo, giám sát của Bộ GD&ÐT.

* Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN, XÂY DỰNG PHẦN MỀM KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

- Từ sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GD&ÐT và lãnh đạo TP Cần Thơ đối với tổ chức dạy và học trực tuyến, Sở GD&ÐT thành phố đã hướng dẫn chi tiết để các trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, hiệu quả, có điều chỉnh phù hợp với thực tế của đơn vị. Ðội ngũ của ngành, nhất là Ban giám hiệu các trường và thầy cô giáo, đã chủ động tổ chức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm được nội dung trọng tâm, cốt lõi trong chương trình.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tình trạng học sinh thiếu thiết bị, đường truyền tham gia học trực tuyến. Sở GD&ÐT thành phố đã chỉ đạo các trường tổ chức phương án thầy cô gửi tài liệu học tập đến tận nhà cho các em, xây dựng thư viện thiết bị điện tử, vận động xã hội hóa hỗ trợ học sinh. Ðồng thời đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh, học sinh về đánh giá dạy và học trực tuyến; tổ chức đoàn kiểm tra tại một số Phòng GD&ÐT, trường THPT... để đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm việc dạy học trực tuyến trên tinh thần khuyến khích học sinh tham gia. Từ đó, các trường, giáo viên điều chỉnh nội dung, kế hoạch phù hợp như điều chỉnh số tiết, thời lượng, nội dung cốt lõi trọng tâm bài học trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế. Các trường chuẩn bị các phương án nhận phản hồi từ học sinh, phụ huynh. Một số trường tổ chức rút kinh nghiệm hàng tuần hoặc định kỳ 2 tuần/1 lần về công tác này, nhằm điều chỉnh kịp thời nội dung chưa phù hợp thực tế. 

Sở GD&ÐT thành phố cũng có phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến, trên cơ sở đảm bảo khách quan, đúng năng lực. Ngành có dự thảo 2 phương án kiểm tra, đánh giá. Một là tổ chức kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến (nếu học sinh vẫn chưa thể tập trung tại trường vì dịch bệnh) qua phần mềm chính quy được ngành phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, Microsoft Việt Nam hỗ trợ các trường. Hai là kiểm tra trực tiếp tại trường, với sự khuyến nghị của ngành Y tế. Trong trường hợp này, sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, thông tin kịp thời đến phụ huynh, đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi đến trường.

* Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân: PHÂN PHỐI THỜI KHÓA BIỂU HỢP LÝ, TRÁNH GÂY ÁP LỰC CHO HỌC SINH   

- Ðể dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả, các trường nói chung, Trường THPT Giai Xuân nói riêng phân phối thời khóa biểu hợp lý, học sinh không học quá 5 tiết/1 buổi hoặc học quá nhiều môn/1 buổi (Sở GD&ÐT thành phố quy định không quá 3 môn/1 buổi). Nội dung kiến thức phải trọng tâm, cơ bản; không truyền tải quá nhiều nội dung hoặc sử dụng quá nhiều hình ảnh, khiến học sinh không thể nhớ hết kiến thức trong thời gian ngắn. Do đó, nhà trường thực hiện phân phối thời khóa biểu hợp lý, số môn phải đảm bảo theo yêu cầu. Trong quá trình dạy học, thầy cô đầu tư để đảm bảo truyền tải đúng, đủ kiến thức cho học sinh một cách dễ hiểu dễ nhớ, không gây áp lực cho các em. Tới đây, trường chỉ đạo giáo viên quay video bài học. Trường thống nhất lựa chọn một phần mềm cố định để phục vụ cho việc đánh giá kiểm tra. Từ đó, xác định học sinh nào chưa đạt hoặc cần bổ sung kiến thức, để tăng cường thêm tiết trái buổi củng cố kiến thức cho các em. Nhà trường cũng đề nghị các đơn vị, ngành hữu quan quan tâm vấn đề nâng cao chất lượng đường truyền internet để việc dạy, học được ổn định, chất lượng.

Một học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa được hỗ trợ máy tính bảng để học trực tuyến, từ mô hình thư viện thiết bị điện tử của trường. Ảnh: B.NG 

* Em Huỳnh Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 10A1, Trường THPT Giai Xuân: HỌC SINH MONG ĐƯỢC QUAN TÂM HỖ TRỢ NHIỀU HƠN KHI HỌC TRỰC TUYẾN

- Khó khăn lớn nhất của học trực tuyến là khi máy bị hư, mạng yếu, cúp điện, bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Bản thân em khi sau giờ học trực tuyến thì luôn trò chuyện với bạn bè, thầy cô những vấn đề mình hiểu hoặc chưa hiểu, từ đó có tinh thần tự giác hơn trong học tập. Em và các bạn mong muốn được sự quan tâm nhiều hơn khi học trực tuyến, như các ngành các cấp nâng cao chất lượng đường truyền internet; thầy cô bổ sung bài tập, bài học bằng nhiều hình thức để em hiểu và nhớ kiến thức lâu hơn.

Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, để hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, ngành đã phối hợp Viettel, Mobifone, VNPT hỗ trợ hơn 20.000 sim 3G, 4G; Tập đoàn FPT và Quỹ Hy vọng tặng 467 máy tính bảng và 50 máy tính bàn; Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ tặng 500 máy tính bảng… Ngành Giáo dục thành phố tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện học tập thuận lợi, hiệu quả.

Chia sẻ bài viết