27/10/2021 - 06:25

Giải pháp phát huy hiệu quả dạy và học trực tuyến
Bài 1: Những nỗ lực chung 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kế hoạch dạy và học của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch bệnh vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với từng cấp học, trong đó có dạy và học trực tuyến ở bậc trung học. Qua gần 2 tháng thực hiện hình thức này, đã có những đánh giá của ngành chuyên môn, các chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, phụ huynh, học sinh để dạy và học trực tuyến phát huy hiệu quả.

Việc thực hiện dạy và học trực tuyến ở các trường phổ thông đã tạo ra sự thay đổi trong cách thức quản trị của Ban giám hiệu, phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách học của học sinh. Quan trọng nhất là sự thay đổi tư duy của phụ huynh, nhằm phối hợp với nhà trường và thầy cô trong giáo dục con em.

Thay đổi nếp sinh hoạt gia đình  

Giáo viên Trường THCS&THPT Trường Xuân dạy trực tuyến.

Giáo viên Trường THCS&THPT Trường Xuân dạy trực tuyến.

Hơn một tháng qua, nếp sinh hoạt gia đình chị Phạm Đình Mai Khanh ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, có nhiều thay đổi do hai con trai của chị bắt đầu năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến. Khoảng 6 giờ sáng hằng ngày, chị Khanh đã lo xong bữa ăn sáng cho hai con - một đang học Trường THCS Trần Ngọc Quế và một đang học Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng - để hoàn tất các sinh hoạt cá nhân và ngồi vào bàn học khoảng 15 phút trước khi bắt đầu tiết học đầu tiên. Trong thời gian các con học online, gia đình chị Mai Khanh hạn chế tiếng ồn, nhường sóng wifi… và sắp xếp chỗ học cho hai con ở nơi khác nhau, đảm bảo môi trường học tập. Chị Mai Khanh cho biết: “Do dịch bệnh nên phải dạy và học online, cũng có những bất tiện, nhưng cũng có ưu điểm là các con học tại nhà, dễ kiểm soát giờ giấc, đỡ mất thời gian đi lại”.

Chị Mai Khanh quan sát việc học của các con và đánh giá thầy trò tương tác tốt, học sinh tích cực làm bài tập. Giáo viên cũng quản lý việc dạy tốt và phản hồi cho phụ huynh học sinh. “Quan trọng là cha mẹ cùng con học, dò bài cho con. Con cũng có thể chia sẻ bài không hiểu với thầy cô, hoặc đọc và tìm hiểu bài trước để học tốt hơn...”, chị Khanh chia sẻ. Nguyễn Thiện Tâm - con chị Mai Khanh, đang học lớp 6A1, Trường THCS Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều, nói: “Bên cạnh bài học, thầy cô cho xem video trong bài giảng hoặc chơi trò chơi... giúp con dễ hiểu, nhớ bài lâu hơn. Nhóm trưởng kiểm soát bài tập trong nhóm. Những bài không hiểu, con nhắn tin hỏi thầy cô. Con mong hết dịch bệnh để trở lại trường học”.

Tương tự, nếp sinh hoạt trong gia đình anh Nguyễn Văn Kiên ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều cũng thay đổi từ đầu tháng 9 đến nay, khi con gái lớp 7 bắt đầu năm học bằng hình thức trực tuyến. Gia đình hạn chế một số hoạt động để ưu tiên không gian cho con học tập. Anh Kiên cho biết, lúc đầu cũng băn khoăn việc học trực tuyến vì sợ con không theo kịp bài vở, nhưng sau một thời gian thì thấy có ưu điểm là cha mẹ có thể theo dõi sát hơn việc học của con. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ, trao đổi với phụ huynh về việc học của con qua mạng xã hội. “Thay vì so sánh chất lượng giữa học trực tuyến và trực tiếp, quan trọng lúc dịch bệnh là con em mình được học vẫn tốt hơn không học gì”, anh Kiên bày tỏ.

Năm học 2021-2022, TP Cần Thơ có khoảng 102.000 học sinh cấp THCS, THPT. Từ ngày 6-9, học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu học học kỳ I, các khối lớp còn lại học từ ngày 13-9, bằng hình thức trực tuyến. Hiện nay, tỷ lệ học sinh học trực tuyến bình quân khoảng 92,93%, trong đó cấp THPT là 98,25%.

Đổi mới cách quản trị, cách dạy và học

Cô Trần Thị Ngọc Minh, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Giai Xuân, cũng đã quen với việc giảng dạy, tương tác với học trò qua máy tính. Mỗi tiết dạy, sau khi cho học sinh xem một đoạn video ngắn, cô Minh dẫn vào nội dung bài học. Trong quá trình giảng bài, thỉnh thoảng cô lồng ghép một vài trò chơi, đặt câu hỏi... để học sinh tương tác, qua đó dễ nhớ từ vựng. Em Huỳnh Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 10 Trường THPT Giai Xuân, cho biết: “Nếu không hiểu rõ bài, em hỏi lại cô qua zalo. Em thấy muốn học trực tuyến tốt, thì phải nỗ lực tự học và đọc bài trước khi vào tiết học”. Cô Ngọc Minh cho biết, với môn Tiếng Anh, việc học online không quá khó khăn, vì giáo viên có thể trình chiếu video bài học cho học sinh theo dõi và bổ sung thêm một số phương tiện giảng dạy khác để tiết học sinh động. Tuy nhiên, nội dung chương trình phải tinh gọn, cốt lõi để thu hút sự tập trung của học sinh. “Để làm được điều này, tôi cũng như các đồng nghiệp dành nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng sao cho phù hợp, nhằm chuyển tải đủ kiến thức mà không gây áp lực cho học sinh”, cô Minh nói.

Học sinh tương tác trong giờ học trực tuyến môn Tiếng Anh do cô Trần Thị Ngọc Minh, Trường THPT Giai Xuân, phụ trách.

Học sinh tương tác trong giờ học trực tuyến môn Tiếng Anh do cô Trần Thị Ngọc Minh, Trường THPT Giai Xuân, phụ trách.

Việc dạy và học trực tuyến cũng đòi hỏi sự thích ứng trong phương pháp quản trị trường học của Ban giám hiệu. Theo thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân, thầy và trò đã dần quen với cách dạy và học trực tuyến, chuẩn bị tâm thế tốt hơn so với lúc đầu thực hiện. Trực tuyến cũng không còn là hình thức dạy và học tạm thời, nên việc tổ chức quản lý, chỉ đạo của Ban Giám hiệu đối với tổ chuyên môn, giáo viên cũng phải đổi mới, cập nhật, nhất là trong việc xác định các nội dung bài học cốt lõi, phương pháp giảng dạy phù hợp và trang bị phương tiện kỹ thuật. Thầy Bảo cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, tất cả học sinh của trường đều trang bị được thiết bị, đường truyền mạng internet, với tỷ lệ tham gia lớp học trực tuyến trên 98%”.

Tại Trường THPT Thới Lai, năm học này có 1.843 học sinh từ khối lớp 10 đến 12, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến gần 99%. Ban Giám hiệu trường đã ban hành quy định dạy và học trực tuyến theo chỉ đạo chung của ngành Giáo dục thành phố. Giáo viên được tập huấn phương pháp dạy và học trực tuyến; trang bị phần mềm giảng dạy, đánh giá học sinh… Thầy Đồng Văn Khuyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hằng tuần, các tổ chuyên môn đều báo cáo tình hình dạy và học trực tuyến; kiểm tra sỉ số học sinh qua báo báo hằng ngày, cũng như tiết dạy vắng của giáo viên qua sổ đầu bài online. Mỗi thành viên trong Ban giám hiệu chịu trách nhiệm một khối lớp, còn giáo viên chủ nhiệm sẽ kết nối thường xuyên với phụ huynh học sinh. Từ đó, trường có giải pháp uốn nắn kịp thời những học sinh vắng học, giúp các em học tốt.

* * *

Việc chuyển đổi từ quản lý, dạy và học truyền thống sang trực tuyến cũng là quá trình chuyển đổi số trong trường học. Khi đạt các yêu cầu về chất lượng giáo dục, hình thức này giúp học sinh phát huy tính chủ động, được trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, nắm bắt kiến thức dễ hơn. Đội ngũ giáo viên cũng dần được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Vấn đề ở đây là vẫn còn những khó khăn để việc dạy và học trực tuyến đạt chất lượng như mong muốn.

Bài, ảnh: Bích Kiên

--------

Bài 2: Vẫn còn những khó khăn, bất cập  

Chia sẻ bài viết