28/10/2021 - 07:54

Giải pháp phát huy hiệu quả dạy và học trực tuyến
Bài 2: Vẫn còn những khó khăn, bất cập
 

Thầy cô đang giảng bài bỗng dưng không thể tiếp tục do rớt mạng, cúp điện, trục trặc kỹ thuật. Học sinh thiếu thiết bị công nghệ. Ðội ngũ giáo viên gặp áp lực lớn vì không thể tương tác trực tiếp với học sinh, nên không thể đánh giá được mức độ tiếp thu để điều chỉnh cách dạy, khối lượng kiến thức. Học sinh và cả giáo viên xuất hiện các vấn đề sức khỏe do phải ngồi nhà tiếp xúc với máy tính thời gian dài... Ðó là khó khăn bước đầu được ghi nhận trong quá trình dạy và học trực tuyến ở TP Cần Thơ. 

Một buổi học trực tuyến của thầy và trò Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh.

Yếu tố kỹ thuật làm ảnh hưởng chất lượng

Chị Ðặng Thị Bích, ở quận Ninh Kiều, có con gái học lớp 7, kể: “Hiện nay, việc học online của con tôi mới tạm ổn, sau thời gian đầu lúc thì cô bị rớt mạng, khi thì con tôi đang học vị “văng” ra ngoài vì mạng yếu hay cúp điện”. Vì vậy, chị Bích băn khoăn về chất lượng học tập khi giờ học cứ bị gián đoạn, có khi con chị mất cả tiết học. Còn chị Hứa Thị Thảo, ở huyện Cờ Ðỏ, có con trai học lớp 10 Trường THPT Hà Huy Giáp, nói: “Gia đình có bố trí chỗ học cho con phù hợp, nhưng vì nhà ở khu vực chợ nên khó tránh khỏi tiếng ồn. Ðôi khi bị cúp điện, con tôi luýnh quýnh nhờ bạn nhắn tin lên nhóm zalo lớp để thông báo thầy cô, có hôm phải chạy lại nhà bạn để học”. Chúng tôi cũng có dịp chứng kiến Lê Khúc Trúc Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Thới Lai, học môn Thể dục bằng hình thức online: thực hành bài đá cầu và quay lại bằng điện thoại. Trúc Linh cho biết: “Thầy có trình chiếu video một số bài tập động tác, giảng giải chậm rãi; thế nhưng rất khó quan sát để điều chỉnh động tác, nên không biết tập đúng hay sai”. Vì thế, Trúc Linh thường xem lại đoạn video của thầy cho, tập theo rồi quay lại để tự điều chỉnh. “Với các môn học khác, em chỉ thấy khó khi cúp điện không học được, hoặc mạng yếu khó nghe âm thanh nên chép bài không kịp”, Trúc Linh chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở các trường phổ thông là học sinh thiếu thiết bị để học trực tuyến. Ðơn cử, Trường THCS Trần Ngọc Quế, quận Ninh Kiều, vẫn còn 23 học sinh thiếu thiết bị để học trực tuyến. Trường THPT Thới Lai đầu năm học có 9 em thiếu thiết bị, nên Ban giám hiệu nhà trường vận động nhà hảo tâm, giáo viên, phụ huynh, cựu học sinh hỗ trợ được 6 em, còn 3 em được trường đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) thành phố hỗ trợ. Thầy Ðồng Văn Khuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, nói: “Tỷ lệ học sinh học trực tuyến đạt gần 99%. Tình trạng đường truyền internet yếu, hoặc cúp điện khiến các em không thể tham gia lớp học vẫn có xảy ra”. Tại Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Ðiền), Ban giám hiệu trường đã tranh thủ sự hỗ trợ từ Mobifone với 49 sim cho giáo viên, 122 sim cho học sinh… Ðến nay, tất cả học sinh của trường đã có thiết bị để học online. Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân, cho biết: “Khó khăn hiện nay khi dạy và học trực tuyến là tương tác giữa giáo viên và học sinh do một số học sinh vẫn còn gặp các vấn đề kỹ thuật, phổ biến nhất là đường truyền yếu”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, đại diện Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết: Khó khăn hiện nay của ngành vẫn còn khoảng 2.200 học sinh không có thiết bị học tập, đường truyền internet chưa đảm bảo. Một số giáo viên chưa quen công nghệ thông tin nên ảnh hưởng việc dạy và học. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, một số phụ huynh chưa hỗ trợ việc học trực tuyến cho học sinh.

Áp lực của giáo viên, học sinh

Nhiều chuyên gia lĩnh vực giáo dục nêu quan điểm: Không nên so sánh dạy và học trực tuyến với trực tiếp, vì đây là những hình thức dạy học khác nhau, bổ trợ cho nhau. Dạy học trực tuyến giúp học sinh học năng động, tích cực; giáo viên ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy. Ðể làm được điều này, yếu tố con người là quan trọng. Ðể dạy trực tuyến đạt hiệu quả, người thầy phải đầu tư soạn lại bài giảng và sáng tạo cách quản lý, thu hút học sinh học. Kinh nghiệm cho thấy, thầy trò dạy và học tốt bằng hình thức trực tiếp, thì dạy trực tuyến vẫn sẽ tốt, vì họ sẽ tìm tòi và sáng tạo phương pháp phù hợp.

Hiện các cơ sở giáo dục trung học đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở GD&ÐT TP Cần Thơ. Các phần mềm, ứng dụng được sử dụng chủ yếu là MS Teams, Zoom, Shub Classroom, Google Meet, K12online, Vioedu, VN Edu, Azota… Ða số các trường thống nhất sử dụng một ứng dụng. Theo các thầy cô, để dạy và học trực tuyến thực sự đạt hiệu quả, thầy và trò, nhất là người thầy phải nỗ lực hơn so với giảng dạy trực tiếp. Ðiển hình như thầy Võ Tiến Ðạt, giáo viên môn Vật lý, Trường THCS&THPT Trường Xuân, đã thực hiện video clip bài giảng (gồm nội dung bài học trọng tâm, cô đọng nhất) trước. Trong đoạn video clip, thầy chèn thêm câu hỏi bằng âm thanh, hình ảnh… để thu hút học sinh. Thầy Võ Tiến Ðạt cho biết: “Chuẩn bị video clip để dạy trực tuyến rất công phu, vì nội dung học phải cô đọng và diễn đạt như thế nào cho học sinh hiểu. Do vậy, mỗi đoạn ghi 20 phút, tôi mất 3 tiếng đồng hồ quay, sau đó còn cắt, dựng. Bù lại, đoạn video clip này có thể sử dụng nhiều lớp khác nhau và có thể điều chỉnh cho phù hợp, chi tiết, rõ ràng hơn sau khi ghi nhận phản hồi của học sinh”.

Em Lê Khúc Trúc Linh, học sinh Trường THPT Thới Lai, học môn Thể dục.

Về phản hồi của học sinh, cô Trần Ngọc Châu, giáo viên môn Sinh học, Trường THCS Trần Ngọc Quế, cho biết cô và đồng nghiệp đầu tư công phu cho bài giảng, tuy nhiên vẫn băn khoăn: “Khi dạy trực tiếp tôi có thể quan sát học sinh trong lớp, đánh giá năng lực và tính cách từng em để điều chỉnh cách dạy phù hợp. Còn dạy trực tuyến, tuy cố gắng giúp học sinh hiểu bài, nhưng vẫn chưa thể đánh giá hết mức độ tiếp thu của các em”. Còn với học sinh, nhất là học sinh cuối cấp, cũng gặp nhiều áp lực khi học online. Em Lê Khúc Trúc Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Thới Lai, nói: “Có ngày em học 8 tiết (sáng 4 tiết, chiều 4 tiết), tiếp xúc màn hình máy tính nhiều nên mắt bị mỏi, tối em phải học ít lại. Nhưng khi giảm việc tự học buổi tối em lại lo lắng, nhất là ở các môn Toán, Lý, Hóa, vì bài tập nhiều, một số bài tập dài, lại đòi hỏi kiến thức nâng cao... Dù vậy, em phải nỗ lực nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học”.

Theo đánh giá của Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, qua triển khai thực hiện dạy và học trực tuyến, ghi nhận khó khăn ở các trường phổ thông là thiếu thiết bị, đường truyền mạng; vẫn còn tình trạng học sinh học quá nhiều môn trong một buổi học; nội dung mỗi tiết học dài, không rõ trọng tâm; thầy cô đôi khi còn nóng nảy khi dạy học; trình chiếu nhiều (trình chiếu cả giáo án file word)… Từng lúc từng nơi, kế hoạch dạy học chưa phù hợp với dạy học trực tuyến; phần mềm, ứng dụng dạy học chưa đồng bộ, chưa thống nhất gây khó khăn cho học sinh. Thầy Ðồng Văn Khuyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: Thành phố vẫn chưa có phần mềm kiểm tra, đánh giá hiệu quả đối với trắc nghiệm và tự luận, nhất là môn Ngữ văn, đã gây khó khăn cho trường. Ðể tổ chức dạy và học trực tuyến hiệu quả, ngành Giáo dục cần sớm có phần mềm trong kiểm tra, đánh giá học sinh; đồng thời hỗ trợ các trường những giải pháp dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn.

*
*       *

Việc dạy và học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì thế, việc tìm lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả hình thức dạy học này là cần thiết.

Mới đây, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ khảo sát ý kiến 35.107 phụ huynh, 44.623 học sinh khối trung học về đánh giá dạy và học trực tuyến từ đầu năm học đến nay. Khi khảo sát học sinh về mức độ tiếp thu kiến thức môn học, có hơn 51% học sinh cho biết hiểu bài và làm tốt bài tập, 41,9% học sinh hiểu bài nhưng chưa thể vận dụng làm bài tập, số học sinh còn lại chưa thật sự hiểu bài. Gần 70% phụ huynh đánh giá giáo viên dạy chậm rãi, ngắn gọn và có trọng tâm; học sinh dễ học, dễ hiểu; gần 60% phụ huynh đánh giá hiệu quả dạy - học trực tuyến thấp hơn học trực tiếp; 33,6% phụ huynh đánh giá trực tuyến hay trực tiếp có hiệu quả như nhau. Có gần 75% học sinh đang sử dụng điện thoại để học trực tuyến.

-----------

Bài cuối: Giải bài toán nâng cao chất lượng

Bài, ảnh: Bích Kiên

Chia sẻ bài viết