09/12/2016 - 08:15

Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của HĐND thành phố:

Giải đáp cơ bản những vấn đề cử tri, đại biểu đặt ra

Ngày 8-12, HĐND TP Cần Thơ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Theo đánh giá của Chủ tọa kỳ họp, không khí chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi; nội dung chất vấn có trọng tâm, phần trả lời khá đầy đủ, giải đáp cơ bản những vấn đề cử tri và đại biểu đặt ra. Báo Cần Thơ lược thuật một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố:

Phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện những vấn đề đã hứa

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp chọn chủ đề đúng với các vấn đề bức xúc, đang được đông đảo cử tri và được nhiều đại biểu quan tâm, có 22 lượt đại biểu tham gia chất vấn, với 40 nội dung. Nhìn chung, không khí phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi. Bên cạnh việc chất vấn có tranh luận nhằm xác định trách nhiệm của sở, ngành, cấp nào phụ trách để có giải pháp khả thi hơn trong giải quyết các vấn đề có liên quan.

Các giám đốc sở nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ, rõ ràng, cơ bản được đại biểu hài lòng. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đạt kết quả tốt. Đối với các vấn đề đã giải trình, hứa hẹn, tôi đề nghị các giám đốc sở phải có kế hoạch, lộ trình để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; có giải pháp khắc phục những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm mà thời gian qua sở làm chưa tốt.

ĐẨY MẠNH GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO HỌC SINH

 

Trả lời chất vấn của Chủ tọa kỳ họp về việc một số trường học vận động thu các khoản đóng góp ngoài học phí với mức khá cao, bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết: Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn các trường về việc thu các khoản ngoài học phí. Đồng thời, kiểm tra, ở một số địa phương và phát hiện một số thiếu sót, như: việc thu chi các khoản tiền không đúng quy định, hình thức thông báo, công khai chưa rõ ràng, đầy đủ... Đại biểu Huỳnh Văn Tùng đề nghị có giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Bà Trần Hồng Thắm cho biết: Ngành GD&ĐT luôn quan tâm, chú trọng tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cho học sinh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường. Đồng thời, tuyên truyền cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh… Trên thực tế, trong năm qua, tình hình an ninh trật tự trường học trên địa bàn thành phố được đảm bảo, không để xảy ra bạo lực học đường. Một số vụ việc học sinh gây hấn, đánh nhau, đã được các trường xử lý kịp thời, không để lại hậu quả.

Đại biểu Nguyễn Phương Hồng đề nghị khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Bà Trần Hồng Thắm cho biết Sở đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về dạy thêm, học thêm. Hiệu trưởng trường chịu trách nhiệm nếu xảy ra các vi phạm về dạy thêm, học thêm trong phạm vi quản lý của đơn vị. Hiện nay, các trường THCS và THPT đã thành lập Ban quản lý điều hành các lớp dạy thêm trong nhà trường. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm trong nhà trường làm đơn đăng ký dạy thêm. Học sinh có nguyện vọng học thêm viết đơn xin học thêm gởi nhà trường; đơn do cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ ký xác nhận….

Trả lời về việc phân luồng học sinh sau bậc học THCS, bà Trần Hồng Thắm cho rằng các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc giáo dục, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, năm học 2015-2016 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 0,45%. Nguyên nhân là do xã hội còn quan niệm chỉ có con đường học văn hóa, học lên cao đẳng, đại học mới có tương lai nên dẫn đến tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"; các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động ít tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp… Theo bà Trần Hồng Thắm cần xóa bỏ tâm lý mặc cảm đối với những người lựa chọn con đường vào trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hoặc vừa làm vừa học; mở rộng hình thức liên kết với doanh nghiệp để đào tạo theo hợp đồng; kiên quyết thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh sau THCS; …

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

 

Trả lời chất vấn của Chủ tọa kỳ họp về công tác quản lý trật tự đô thị, ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết đã hướng dẫn, phối hợp với UBND địa phương kiểm tra và nhận thấy tình trạng xây dựng không phép, trái phép có giảm, nhưng vẫn còn nhiều. Sở dĩ còn tình trạng xây dựng không phép là do nhu cầu nhà ở của người dân, do người dân chưa am hiểu pháp luật, do chưa có đủ tiền mua đất tại các khu dân cư có đủ hạ tầng, mà mua đất ở các khu dân cư tự phát... Tuy nhiên, phía Nhà nước cũng có trách nhiệm, vì chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp. Trong khi đó, lực lượng để kiểm tra ở cơ sở còn ít, chưa quán xuyến hết địa bàn,…

Chủ tọa kỳ họp chất vấn về công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thu hồi, xóa các quy hoạch, dự án không còn phù hợp, kéo dài không triển khai, ông Nguyễn Tấn Dược thừa nhận: "Sở Xây dựng nhận khuyết điểm là chưa có kế hoạch cụ thể, chưa làm tốt công tác rà soát quy họach". Theo ông Dược, do chất lượng quy hoạch còn hạn chế, nguồn lực đầu tư chưa có, chính sách thu hút đầu tư chưa hấp dẫn nên nhiều quy hoạch chậm thực hiện, chưa thực hiện. Trong khi đó, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư chậm là do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế, việc giải phóng mặt bằng chậm, hạ tầng khung ở khu vực dự án khó kết nối đồng bộ… Trước câu trả lời của ông Dược, đại biểu Nguyễn Phương Hồng hỏi: Quy hoạch, dự án thực hiện chậm, người dân bị ảnh hưởng, ai sẽ bồi thường thiệt hại? Ông Dược thừa nhận: Công tác rà soát, hủy, điều chỉnh quy hoạch chậm là tránh nhiệm của Sở Xây dựng, đứng đầu là Giám đốc Sở Xây dựng. Còn việc xác định trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp này rất khó, vì chưa có quy định.

Đại biểu cho rằng, hiện nay, lượng rác thu gom rác hằng ngày của thành phố khoảng 650 tấn, nhưng thành phố chưa có nhà máy xử lý rác, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Ông Nguyễn Tấn Dược cho rằng việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Hiện nay, rác thải được tập trung về nhà máy xử lý rác Thốt Nốt, các bãi rác quận Ô Môn và huyện Cờ Đỏ; trong đó, phần lớn rác được chôn lấp ở Cờ Đỏ. UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương thực hiện các biện pháp giảm mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nơi chôn lấp rác; phấn đấu sớm giải quyết, khắc phục tình trạng này.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

 

Trả lời chất vấn của Chủ tọa kỳ họp về vấn đề chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết đã định hướng xây dựng các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng rau màu an toàn, vùng trồng cây ăn trái, gắn với xây dựng mô hình du lịch sinh thái, vùng sản xuất hoa kiểng và định hướng xây dựng được các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đại biểu Lê Văn Thưởng đề nghị khắc phục tình trạng nông sản, thực phẩm dư thừa hóa chất, ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đúng liều lượng và sản xuất đúng tiêu chuẩn VietGap; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để xử lý các cơ sở buôn bán và sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đại biểu Nguyễn Phú Lộc Thành đề nghị có biện pháp giảm thất thoát trong thu hoạch, nâng chất các hợp tác xã, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Thời gian qua, phương thức sản xuất nông nghiệp của thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến lãng phí trong sản xuất; sau thu hoạch thiếu máy móc bảo quản, chế biến nên bị hư hao, thất thoát; đầu ra sản phẩm qua nhiều trung gian và sản phẩm không rõ nguồn gốc… Khắc phục được những khó khăn này, thất thoát sau thu hoạch sẽ giảm. Đại biểu Nguyễn Quang Nghị đề nghị cho biết giải pháp hỗ trợ nông dân đưa nông sản sạch vào các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Hè thông tin, giữa tháng 12 này, Sở phối hợp tổ chức hội nghị tìm đầu ra cho sản phẩm sạch của nông dân và các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn, hy vọng sau hội nghị, nông sản sạch của nông dân và các HTX sẽ đi vào các siêu thị, nhà máy, xí nghiệp nhiều hơn.

Về giải pháp nâng cao chất lượng HTX, ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương củng cố, xây dựng ở mỗi quận, huyện 1 HTX kiểu mới để trình diễn và nhân rộng. Trả lời đại biểu Võ Kim Thoa và một số đại biểu đặt ra về giải pháp bảo đảm cho người dân sản xuất trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết, năm 2016 đã vận động người dân chuyển đổi hơn 5.000 ha đất sản xuất lúa do thiếu nước sang trồng các loại cây mè, đậu, bắp mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, Sở tham mưu UBND thành phố ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; nghiên cứu hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hạn mặn và thích ứng với biến đổi khí hậu… Một số đại biểu cho rằng, một số công trình thủy lợi tạo nguồn nạo vét chưa bảo đảm, Giám đốc Sở NN&PTNT hứa sẽ kiểm tra từng công trình và chấn chỉnh kịp thời.

Nhóm PV Chính trị

Chia sẻ bài viết