06/06/2022 - 08:18

Giấc mơ World Cup của Trung Quốc ngày càng xa 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Cách nay 11 năm, tức một năm trước khi trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nói về 3 điều ước đối với nền bóng đá nước nhà, gồm được tham dự vòng chung kết World Cup, đăng cai giải đấu  và một ngày nào đó sẽ nâng cao chiếc cúp vô địch danh giá này.

Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm một câu lạc bộ bóng đá tại Dublin, Ireland tháng 2-2012. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, kể từ đó cho đến nay, bóng đá Trung Quốc chưa một lần tham dự vòng chung kết World Cup. Ðiều ước thứ 2 có vẻ khả thi hơn. Người ta cho rằng vào một thời điểm nào đó trong những năm 2030, Bắc Kinh sẽ  được trao quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Nhưng sau những sự kiện gần đây, điều này có vẻ như không chắc chắn cho lắm.

Ðáng lẽ sẽ có rất nhiều trận cầu diễn ra ở Trung Quốc trong 12 tháng tới nhưng chính sách “Zero COVID” của nước này đã phá vỡ mọi kế hoạch. Theo đó, Cúp bóng đá Ðông Á do Trung Quốc đăng cai vào tháng 7 tới với sự tham gia của các đội bóng trong khu vực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong đã được trao cho Nhật Bản tổ chức. Ðại hội thể thao châu Á 2022, hay còn được gọi là Á vận hội XIX, trong đó có sự tranh tài của các đội tuyển bóng đá Olympic, cũng bị hoãn lại. Ðáng chú ý nhất là, Trung Quốc hồi tháng rồi đã quyết định trả lại quyền đăng cai Cúp bóng đá châu Á 2023.

“Tin dữ” quyền đăng cai Cúp bóng đá châu Á 2023 được Trung Quốc trao cho nước khác diễn ra 10 năm sau khi ông Marcello Lippi được bổ nhiệm làm huấn luyện viên trưởng của Quảng Châu Evergrande, câu lạc bộ khởi đầu làn sóng mạnh tay chi tiêu ở Giải bóng đá ngoại hạng Trung Quốc (CSL). Vào mùa giải 2016-2017, họ vung tiền nhiều hơn bất cứ câu lạc bộ nào khác trên thế giới. Chỉ trong giai đoạn 2011-2019, “những chú hổ phương Nam” này đã 8 lần vô địch ở CSL và đạt 2 danh hiệu cấp châu lục. Song, Quảng Châu Evergrande đang đối mặt với tương lai bất ổn vì những vấn đề của cổ đông lớn nhất đội bóng. Tập đoàn bất động sản Evergrande đang gánh khoản nợ lên đến 225 tỉ bảng Anh. Giới phân tích cho rằng nếu đội bóng hàng đầu Trung Quốc này phá sản thì có thể kéo theo hiệu ứng dây chuyền ở CSL.

Hiện CSL đối mặt với những khó khăn tài chính chưa từng thấy, dù từng chi tới 300 triệu bảng vài năm trước để mang về những ngôi sao hàng đầu như tiền vệ người Brazil Oscar dos Santos Emboaba Júnior của câu lạc bộ Chelsea (Anh). Câu lạc bộ Giang Tô Tô Ninh giành chức vô địch vào năm ngoái nhưng buộc phải giải thể vì chủ sở hữu là Tập đoàn Suning quyết định rút lui khỏi thể thao. Câu lạc bộ Thiên Tân Thiên Hải cũng không còn tồn tại trên bản đồ bóng đá Trung Quốc. Một số câu lạc bộ khác thì “gồng mình” trả lương cho cầu thủ.

Việc CSL đang trên đà suy thoái và nỗi ám ảnh về việc trở lại World Cup của đội tuyển Trung Quốc lại càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nếu như ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển, các đội bóng trong nước và đội tuyển quốc gia phải tranh giành cầu thủ thì tại Trung Quốc, CSL đã bị dừng lại từ tháng 8 đến tháng 12 năm ngoái để tạo điều kiện tốt nhất cho đội tuyển quốc gia đủ điều kiện tham dự vòng loại World Cup 2022. Nếu Trung Quốc có khả năng lọt vào World Cup thì sự “hy sinh” của CSL là xứng đáng nhưng sự thật là đội tuyển Trung Quốc không có năng lực cạnh tranh tại vòng loại cuối cùng để có mặt ở Qatar vào cuối năm nay.

Chia sẻ bài viết