07/04/2009 - 08:44

"Giấc mơ phi hạt nhân" của ông Obama !

Phát biểu với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Thủ đô Praha (Cộng hòa Czech) hôm 5-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi xây dựng một thế giới phi hạt nhân mà ông tin là có khả năng đạt được nhưng không phải một sớm một chiều. Theo kế hoạch của người đứng đầu Nhà Trắng, nước Mỹ sẽ: - Giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia của mình và thúc giục các nước khác làm theo; - Duy trì “kho hạt nhân an toàn, an ninh và hiệu quả” nhằm chống lại (vũ khí hạt nhân của) kẻ địch; - Đàm phán một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới với Nga cuối năm nay; “Ngay lập tức và tích cực” thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện; - Tìm kiếm một hiệp ước mới nhằm chấm dứt việc sản xuất vật liệu phân hạt nhân dùng cho vũ khí hạt nhân; - Tìm cách củng cố Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân.

Ngoài ra, Washington sẽ thúc đẩy hợp tác hạt nhân dân sự bằng việc thành lập ngân hàng nhiên liệu hạt nhân quốc tế cho tất cả các nước không theo đuổi vũ khí hạt nhân, ủng hộ quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Iran với sự thanh sát nghiêm ngặt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả “cho tới khi nào mối đe dọa từ Iran còn tồn tại”, hậu thuẫn một nỗ lực quốc tế mới nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả vật liệu hạt nhân “nhạy cảm”trên thế giới trong vòng 4 năm tới, tổ chức hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh hạt nhân vào năm sau.

Theo các nhà phân tích, mặc dù kế hoạch trên rất đáng xem xét vì nó thể hiện khát vọng chung của nhân loại yêu chuộng hòa bình, nhưng việc xây dựng một thế giới phi hạt nhân có thể chỉ là ước mơ. Để xây dựng thế giới như mơ đó, ông Obama thừa nhận Mỹ, với tư cách là cường quốc duy nhất từng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, có trách nhiệm để cổ vũ các nước khác đi theo. Tuy nhiên, việc chú Sam kêu gọi xây dựng một thế giới phi hạt nhân thật ra không có gì mới lạ cả.

Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton từng hồ hởi ký kết Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt toàn diện năm 1999, nhưng cuối cùng không thuyết phục được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Hiệp ước này dù đã được hơn 140 quốc gia phê chuẩn, nhưng để có hiệu lực thì cần tất cả 44 nước sở hữu công nghệ hạt nhân thông qua. Hiện chỉ có 35 quốc gia trong số đó phê chuẩn, còn lại Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Israel, Triều Tiền và Pakistan vẫn chưa thông qua. Ông Obama sẽ làm gì để Quốc hội phê chuẩn hiệp ước trên là nhiệm vụ không mấy dễ dàng.

Mặt khác, việc ông Obama nói Mỹ cần duy trì một “kho hạt nhân an toàn, an ninh và hiệu quả” chứng tỏ Mỹ trước sau vẫn trung thành với mục tiêu thống trị thế giới bằng năng lực hạt nhân vượt trội của mình. Nga và Trung Quốc không đời nào muốn như vậy. Ngay cả Pháp cũng không muốn dựa dẫm vào chiếc ô an ninh hạt nhân của Mỹ, và Anh lại không muốn Pháp là cường quốc hạt nhân duy nhất tại châu Âu. Hơn nữa, một thế giới phi hạt nhân phải bao gồm một Trung Đông không hạt nhân. Mỹ và phương Tây một mặt tìm mọi cách ngăn cấm Iran phát triển chương trình hạt nhân; mặt khác lại “làm ngơ” trước Israel, quốc gia mà các chuyên gia hạt nhân tin rằng từ lâu đã bí mật trở thành cường quốc hạt nhân.

Ước mơ của ông Obama, theo nhận định của hãng tin Anh BBC, có lẽ không bao giờ thành hiện thực, ngay cả khi ông sống đến tuổi 78 (tính theo tuổi thọ trung bình của dân Mỹ), tức 31 năm sau. Đằng này, nhiệm kỳ tổng thống của ông chỉ kéo dài 4 năm hoặc cao lắm 8 năm.

Thật ra, một thế giới không còn bóng dáng của vũ khí hạt nhân luôn là khát vọng của nhân loại nhưng khát vọng ấy có lẽ mãi mãi chỉ là giấc mơ thôi!

PHÚC GIA AN
(Theo AP, BBC, Liberaton, Reuters)

PHÚC GIA AN (Theo AP, BBC, Liberaton, Reuters)

Chia sẻ bài viết