19/02/2013 - 14:13

Gia đình thay đổi, người cao tuổi Hàn Quốc tự tử ngày càng tăng

Một tình nguyện viên đang an ủi một cụ già neo đơn ở Seoul. Ảnh: NYT

Đó là tựa đề một bài viết được đăng trên trang thông tin điện tử của báo New York Times số ra gần đây. Tác giả bài viết này cho biết ngay cả khi sự bùng nổ của các vụ tự tử ở Hàn Quốc ngày càng gia tăng, trường hợp tự tử của một cụ bà 78 tuổi đã tạo ra một cú sốc cho những ai nghe thấy. Sự việc này đã thu hút rất nhiều quan tâm của dư luận cũng như đã tạo ra nhiều cuộc tranh cãi trên các phương tiện truyền thông.

Thay vì lặng lẽ kết liễu cuộc sống của mình tại nhà như nhiều người Hàn Quốc khác từng làm, cụ bà đã biến cái chết của mình như hành động cuối cùng của một cuộc biểu tình nhằm chống lại xã hội mà bà cho là đã bỏ rơi bà. Bà đã tự vẫn bằng cách uống thuốc trừ sâu ngay trước Tòa thị chính thành phố sau khi giới chức thành phố quyết định ngưng gửi tiền trợ cấp cho bà chỉ vì người con rể của bà đã tìm được việc làm.

Cái chết của cụ bà chỉ là một phần của chiều hướng đen tối đang diễn ra tại Hàn Quốc: Số người tự tử từ 65 tuổi trở lên tăng gấp bốn lần trong những năm trở lại đây, khiến quốc gia Đông Bắc Á này trở thành nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các quốc gia đang phát triển. Tình trạng này hiện được xem là một phần đối nghịch với một nền kinh tế phát triển như hiện nay ở xứ sở kim chi, vốn coi trọng Nho giáo, góp phần tạo nên nền tảng của văn hóa Hàn Quốc trong nhiều thế kỷ qua. Người Hàn Quốc lâu nay quan niệm rằng cha mẹ sẽ làm bất cứ điều gì để chăm sóc con cái của họ, sau đó sẽ được hưởng cuộc sống an nhàn bên con cái, không cần đến bất kỳ hệ thống an sinh xã hội nào. Tuy nhiên, khi các thế hệ trẻ bắt đầu di cư từ các trang trại đến các thành phố trong những thập kỷ gần đây hoặc chỉ đơn giản là tập trung quá nhiều thời gian cho công việc, cha mẹ của họ thường bị bỏ lại sau lưng. Chính vì thế, nhiều người cao tuổi phải gửi trọn những năm còn lại của đời mình tại những vùng nông thôn nghèo nàn, sống trong nỗi cô đơn, quạnh quẽ.

Trước thực trạng trên, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng một hệ thống lương hưu công cộng vào năm 1988 nhưng người ta cho rằng trong hầu hết các trường hợp, các khoản thanh toán hầu như không bao gồm chi phí sinh hoạt cơ bản và những người cao tuổi nhất Hàn Quốc đã không được hưởng những lợi ích từ hệ thống này vì họ đã qua độ tuổi lao động khi nó được hình thành. Một báo cáo của chính phủ năm 2011 cho biết chỉ 40% những người có độ tuổi trên 65 nhận được một khoản lương hưu công cộng hay tiền tiết kiệm hưu trí. Nhà nước đã quyết định ngưng trả tiền trợ cấp cho những ai có con cái có khả năng chăm sóc cho họ, khiến một số bậc cha mẹ phải có quyết định lựa chọn giữa việc nhờ vả con cái hoặc sự giúp đỡ của chính quyền nếu chứng minh được rằng con cái không thể giúp đỡ hoặc không muốn giúp.

Ở một quốc gia mà sĩ diện là điều quan trọng như Hàn Quốc, các chuyên gia về người cao niên nói rằng một số người cao tuổi tự vẫn vì họ cảm thấy mình bị con cháu bạc đãi trong khi số khác kết liễu cuộc đời vì cảm thấy họ là gánh nặng của gia đình, có thể cản trở bước tiến của con cháu. Hiện tình trạng tự tử đang ở mức báo động. Trong năm 2010, các vụ tự tử ở những người trên 65 tuổi chiếm tới 4.378 vụ, tăng rất nhiều so với con số 1.161 vụ hồi năm 2000. Số vụ tự tử ở người trưởng thành và thanh thiếu niên cũng tăng lên đáng kể mặc dù nguyên nhân dẫn đến những cái chết này chủ yếu là do những căng thẳng trong một xã hội đầy tính cạnh tranh hơn là những thay đổi trong cấu trúc gia đình khiến những người cao tuổi phải tuyệt vọng.

Cho đến khi nền công nghiệp bắt đầu phát triển nhanh chóng vào cuối những năm 1990, cuộc sống của người dân Hàn Quốc dần chuyển theo một hướng khác. Theo đó, cha mẹ sống với gia đình của con trai cả và với những ai không có con trai, họ phải sống chung với một người thân. Khi xã hội phát triển như những năm gần đây, các bậc cha mẹ đã phải làm bất kỳ điều gì có thể để giúp con cái của mình thành công. Một số bậc cha mẹ ít học phải lấy tiền tiết kiệm đóng phí cho các trung tâm luyện thi, thậm chí nhiều gia đình còn chịu cảnh chia cách một vài năm để người mẹ có thể đưa con sang nước ngoài học tập với hy vọng con mình sẽ thành thạo tiếng Anh, sau này sẽ được nhận vào làm việc tại một công ty lớn.

    TRÍ VĂN  (Theo New York Times)

Một tình nguyện viên đang an ủi một cụ già neo đơn ở Seoul. Ảnh: NYT

Chia sẻ bài viết