23/05/2008 - 22:30

GAP - Giấy thông hành cho hàng hóa nông sản vào thị trường khó tính

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa hàng hóa nông sản lớn nhất nước. Thế nhưng, hàng hóa nông sản nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế về thương hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, dẫn đến giá cả bấp bênh. Đó cũng chính là “rào cản” khiến nhiều loại nông sản hàng hóa ĐBSCL khó vươn ra thị trường thế giới.

TỪ GAP SÔNG TIỀN...

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng không có giải pháp nào khác hơn là GAP (Good Agricultural Practices - thực hành nông nghiệp tốt). GAP được nông dân ĐBSCL biết đến từ đầu năm 2005. Khi đó, Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn khu vực sông Tiền được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Trái cây Việt Nam thành lập, gọi tắt là GAP sông Tiền. Đây là mô hình đầu tiên của nước ta. Mục tiêu của GAP sông Tiền là liên kết nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nước của 6 tỉnh, thành: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, TP Hồ Chí Minh để hình thành khu vực sản xuất tập trung trái cây có qui mô lớn, an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế với giá thành có sức cạnh tranh. Đồng thời, Gap sông Tiền cũng tổ chức lại hệ thống tiêu thụ trái cây nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong ngoài nước.

Lúc đầu, GAP sông Tiền gặp nhiều khó khăn khi phải thay đổi nhận thức, thói quen tập quán sản xuất của các nhà vườn. Bởi hầu hết các nhà vườn không quen ghi chép nhật ký làm vườn và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa an toàn. Từ thực tế này, GAP sông Tiền triển khai chương trình với các loại cây ăn trái như: thanh long tại HTX Dương Xuân (Long An), HTX Chợ Gạo (Tiền Giang), bưởi da xanh HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), măng cụt và cam sành tại HTX 14/10 (Vĩnh Long). Mới đây, GAP sông Tiền đã tổng kết đánh giá sau 3 năm thành lập. Kết quả cho thấy nhận thức của nhà vườn đã được cải thiện, các xã viên đã hiểu được lợi ích của GAP. Đồng thời, GAP sông Tiền đã thiết lập được 3 địa điểm tiêu thụ trái cây (1 điểm ở tỉnh Đồng Tháp và 2 điểm tại TP Hồ Chí Minh) và liên kết kinh doanh với khách hàng tại Bằng Tường (Trung Quốc), Kim Hà Foods (Pháp).

 Đồng rau an toàn HTX Thành Lợi (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đang thực hiện GAP.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục trồng trọt, cho rằng: “Để tiêu thụ, xuất khẩu trái cây thuận lợi, không có cách nào khác ngoài GAP. Liên kết Sông Tiền đã mở ra hướng cho việc hình thành liên kết sông Hậu (GAP sông Hậu)”.

GIẤY THÔNG HÀNH CHO HÀNG HÓA NÔNG SẢN

Không riêng cây trái mà lúa gạo, rau màu... cũng đang được nông dân ĐBSCL thực hiện GAP.

Tỉnh An Giang là địa phương tiên phong đầu tư 3,4 tỉ đồng để thực hiện chương trình xây dựng chất lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn EUREP GAP trên 3 dòng lúa gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương là: Nàng Nhen Bảy Núi (huyện Tịnh Biên), gạo thơm Châu Phú và nếp Phú Tân trong 3 năm (2008-2011). Chương trình này hỗ trợ nông dân từ khâu chọn giống, kiểm soát chất lượng và phân phối sản phẩm.

Tại tỉnh Vĩnh Long hiện có 3 HTX rau an toàn, đều đang thực hiện GAP. HTX rau an toàn Thành Lợi (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) hiện ký hợp đồng cung ứng rau quả cho 6 doanh nghiệp ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, đã mang lại nhiều hiệu quả cho xã viên. Năm 2007, HTX rau an toàn Thành Lợi đã giao cho các công ty 211,8 tấn đậu bắp xanh Nhật, 13 tấn bắp ngọt, 18 tấn chanh dây, 175 tấn khoai lang, đạt tổng doanh thu hơn 1,1 tỉ đồng, đem lại lợi nhuận cho xã viên và nông dân hơn 687 triệu đồng. Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Lợi - Lê Văn Trung bộc bạch: “Lúc đầu, vận động bà con tham gia cũng rất khó khăn. Để thuyết phục bà con nông dân, Ban Chủ nhiệm HTX tiên phong trồng rau trước để cung ứng cho doanh nghiệp. Đến khi thu hoạch, xe các công ty đến tận HTX nhận hàng, lúc đó bà con nông dân mới yên tâm...”. Đến nay, HTX rau an toàn Thành Lợi không chỉ trồng rau quả trên đất của xã Thành Lợi (huyện Bình Tân) mà còn phát triển, mở rộng diện tích sang các địa phương khác như huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).

Các chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho rằng, nếu nông dân ĐBSCL tiếp tục canh tác theo tập quán cũ, làm ăn riêng lẻ thì khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập của các nước trong khu vực ASEAN và thế giới, giá cả nông sản vẫn còn bấp bênh, đời sống nông dân lao đao. Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam, Uwe Hoelzer, đơn vị hằng năm thu mua hàng ngàn tấn rau quả các loại và mỗi tháng thu mua tôm, cá trị giá hơn 5 triệu EUR tại ĐBSCL để phân phối trên 28 quốc gia thế giới, khẳng định: “Việc cung cấp đồng nhất các sản phẩm chất lượng tốt, không sử dụng hóa chất bị cấm hoặc thuốc trừ sâu là điều rất quan trọng cho tương lai thành công của hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL”.

TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết thêm: “Người nông dân muốn bán sản phẩm có lợi nhất phải làm đúng theo luật quốc tế và trong nước về sản xuất trái cây an toàn. EUREP GAP-khung tiêu chuẩn về phương pháp canh tác tốt- xác định các phương pháp thiết yếu cho các sản phẩm nông nghiệp kết hợp các phương pháp quản lý sâu hại (IPM) và quản lý mùa màng (ICM) mang tính chất toàn cầu. EUREP GAP hiện đang là chuẩn mực của việc sản xuất rau quả đáp ứng yêu cầu của châu Âu và được nhiều nước trên thế giới áp dụng”.

Bài, ảnh: Quang Hải

Bài, ảnh: Quang Hải

Chia sẻ bài viết