Theo worldometers.info, tính đến ngày 13-9, trên toàn thế giới ghi nhận gần 29 triệu bệnh nhân COVID-19 (tăng 278.000 người trong 24 giờ), trong đó trên 924.000 người đã tử vong. Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước có số bệnh nhân cao nhất thế giới với lần lượt 6,6 triệu, 4,7 triệu và 4,3 triệu ca dương tính SARS-CoV-2. Về số người tử vong, Mỹ đứng đầu với 198.000 ca, kế đến là Brazil 131.000 ca và Ấn Độ 78.000 ca.

Ấn Độ có thêm 94.000 ca nhiễm COVID-19 trong 1 ngày.
Số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước tiếp tục duy trì ổn định trong nhiều ngày qua. Tại châu Âu, số bệnh nhân hiện là 4,05 triệu người, tăng hơn 36.000 người trong 24 giờ và 212.000 người đã tử vong. Nga tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 1,06 triệu bệnh nhân, tiếp đến là Tây Ban Nha 576.000 ca. Pháp tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ nhất với gần 11.000 ca lên tổng cộng 373.000 bệnh nhân.
Tại châu Á, số bệnh nhân COVID-19 tăng thêm 125.000 ca lên 8,48 triệu. Ấn Ðộ tiếp tục là nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trong châu lục với hơn 94.000 ca nhiễm mới.
Tại Bắc Mỹ, tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện là 7,94 triệu, trong đó Mỹ đứng đầu. Tiếp theo là các nước Mexico và Canada với lần lượt 652.000 và 135.000 ca. Tại Mexico, số người chết hiện đã vượt 70.000, đứng thứ tư thế giới.
Tại Nam Mỹ, tổng số bệnh nhân là hơn 7,07 triệu (tăng 61.000 ca) và 227.000 người đã tử vong, trong đó Brazil đứng đầu. Kế đến là Peru với 723.000 bệnh nhân, Colombia (709.000), Argentina (546.000) và Chile (433.000).
Tại châu Phi, tổng số bệnh nhân là 1,35 triệu, tăng hơn 7.000 ca. Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại châu lục với 647.000 bệnh nhân, trong đó hơn 15.000 người đã tử vong. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung tốc độ đã suy giảm.
Ngày 12-9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Phi (Africa CDC) đã ra mắt mạng lưới gồm 12 phòng thí nghiệm nhằm thúc đẩy việc giải mã bộ gen của hơn 10 chủng SARS-CoV-2 hiện đang tồn tại ở châu lục này. Mạng lưới phòng thí nghiệm đặt tại nhiều quốc gia sẽ giúp các nhà khoa học tăng cường việc theo dõi và kiểm soát khả năng đột biến của các chủng SARS-CoV-2, qua đó giúp hệ thống y tế sở tại ứng phó hiệu quả hơn trước sự lây lan của virus, chủ động trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cũng như thúc đẩy quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng bệnh.
Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran ngày 12-9 đưa tin các nhà khoa học về ngành y của nước này sẽ sớm bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người sau khi quá trình thử nghiệm trên động vật đã được thông qua.
Kể từ khi xác nhận ca đầu tiên mắc COVID-19 vào ngày 19-2, đại dịch ở Iran từng có giai đoạn diễn biến phức tạp. Tính tới nay, Iran xác nhận 400.000 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 23.000 người đã tử vong.
P.V (TTXVN, Reuters)