09/06/2011 - 08:53

Chiến sự leo thang ở Libye:

Gadhafi thề quyết chiến

Những cột khói cao xung quanh khu dinh thự của Gadhafi ở Tripoli hôm 6-6. Ảnh: Reuters

Trong đoạn băng được phát trên truyền hình quốc gia Al-Jamahiriyah TV hôm 7-6, nhà lãnh đạo Libye Muammar Gadhafi tuyên bố sẽ chiến đấu cho tới chết, sau khi chiến đấu cơ của liên quân tiến hành cuộc không kích được xem là dữ dội nhất ở Thủ đô Tripoli kể từ khi bắt đầu chiến dịch hơn 2 tháng trước.

NATO tăng cường độ không kích

Hôm 7-6, máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thực hiện cuộc oanh kích giữa ban ngày ở Tripoli và kéo dài tới sáng 8-6. Những vụ nổ lớn vang dội khắp thành phố tạo ra nhiều cột khói cao trên bầu trời, kéo theo tiếng súng đáp trả từ lực lượng trung thành với Gadhafi. Người phát ngôn chính phủ Libye Moussa Ibrahim cho biết hơn 60 quả rốc-két đã được NATO trút xuống Tripoli hôm 7-6, ngày mà ông gọi là “kinh hoàng nhất Libye”, làm 31 người chết, trong đó có dân thường.

Việc NATO tăng cường độ tấn công vào ban ngày là để gây sức ép lên chính quyền Gadhafi, vốn lung lay sau làn sóng nổi dậy trong nước 4 tháng qua cộng với các biện pháp trừng phạt bên ngoài. Một quan chức NATO cho biết đẩy mạnh không kích không phải thay đổi chiến lược, mà là tăng áp lực lên các cơ sở chỉ huy chủ chốt của chính quyền đóng tại Tripoli, trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Gadhafi.

Phản ứng trước tình hình trên, Đại tá Gadhafi kêu gọi “một cuộc chiến tử vì đạo” và giục những người ủng hộ tập trung tại dinh thự Bab al-Azizya của ông để thể hiện thái độ quyết chiến với NATO. Ông Gadhafi nói: “Chúng ta chỉ có một lựa chọn; đây là đất nước của chúng ta và chúng ta sẽ ở lại cho tới cùng, sống, chết hay chiến thắng không là gì cả”.

Sự can thiệp của các cường quốc

Chính quyền Libye đang tìm cách phá “vòng vây” của Mỹ và đồng minh NATO. Ngoại trưởng Libye Abdelati al-Obeidi đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Libye. Chuyến đi của al-Obeidi diễn ra sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Qatar tuần trước có cuộc tiếp xúc với thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Libye tại Doha. Trước đó, đại diện của Trung Quốc ở Ai Cập cũng đã tới căn cứ của lực lượng nổi dậy Libye tại Benghazi để đàm phán với Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC). Các nhà phân tích cho rằng những cuộc gặp giữa đại diện Trung Quốc với phe đối lập Libye cho thấy Bắc Kinh đang xúc tiến quan hệ với lực lượng này trong trường hợp chính quyền Gadhafi sụp đổ. Thời báo Ấn Độ ngày 8-6 cho rằng Trung Quốc rõ ràng đang chơi trò hai mặt.

Ngày 6-6, các luật sư của Aisha al-Gadhafi, con gái ông Gadhafi, đã đệ đơn kiện lên tòa án ở Paris và Brussels, cáo buộc NATO phạm tội ác chiến tranh và tội ám sát 4 người thân của ông Gadhafi hồi cuối tháng 4. Đơn kiện không nêu đích danh bị cáo, nhưng tập trung vào các cuộc ném bom gần đây ở Libye mà NATO và Pháp có vai trò trong đó.

Trong khi đó, đặc phái viên Nga về châu Phi đã tới Benghazi hôm 6-6, và cho rằng ông Gadhafi có thể không còn là đại diện của Libye nữa và Nga sẵn sàng hỗ trợ Libye bằng bất kỳ phương thức nào có thể.

Nhóm tiếp xúc Libye của phương Tây và các nước A-rập hồi tháng 5 cũng đã nhất trí sẽ cấp hàng triệu USD viện trợ phi quân sự giúp quân nổi dậy duy trì các hoạt động kinh tế và dịch vụ công.

Tuy nhiên, nhật báo Phố Wall của Mỹ cho rằng bức tranh tổng thể ở Libye vẫn đang bế tắc. Quân Gadhafi và lực lượng chống đối vài tuần qua vẫn ở thế giằng co, trong khi căng thẳng xuất hiện giữa quân nổi dậy với các chỉ huy NATO xung quanh chiến thuật quân sự. Các thủ lĩnh nổi dậy ở Misrata cho rằng họ bị yêu cầu không được đẩy mạnh tấn công quân chính phủ ở phía Đông thành phố và không nên vượt qua “giới tuyến đỏ”, ngay cả khi họ tin là quân Gadhafi đã bị suy yếu. NATO thì cho rằng rất nguy hiểm nếu quân nổi dậy đi vào những khu vực đang là mục tiêu của các cuộc không kích.

N. MINH
(Theo Reuters, WSJ, AP)

Chia sẻ bài viết