01/03/2024 - 09:32

G7 chia rẽ về việc tịch thu tài sản của Nga 

Bất đồng giữa các quan chức kinh tế hàng đầu thế giới về cách sử dụng tài sản Ngân hàng Trung ương Nga để hỗ trợ Ukraine đang lan rộng, đặc biệt sau phản đối của Pháp vì cho rằng việc tịch thu tài sản bị phong tỏa như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định việc tịch thu tài sản Nga là “khả thi”. Ảnh: Bloomberg

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, nhiều nước phương Tây đã phong tỏa khối tài sản tổng giá trị hơn 300 tỉ USD của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ở nước ngoài để ngăn Mát-xcơ-va thu lợi phục vụ chiến sự. Năm ngoái, Mỹ và các đồng minh trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố không trả số tài sản trên đến khi Nga bồi thường thiệt hại. Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 28-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng bày tỏ ủng hộ sử dụng lợi nhuận từ tài sản Nga để hỗ trợ quân đội Ukraine.

Trong nhiều tháng qua, Liên minh châu Âu (EU) và G7 đã thảo luận về các khả năng giải ngân tài sản Nga nhưng chưa tìm ra biện pháp khả thi. Nhu cầu này càng trở nên cấp bách khi động lực chính trị ủng hộ viện trợ Ukraine ở Mỹ và châu Âu đang suy giảm. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Mỹ và đồng minh nếu nói muốn tịch thu tài sản Nga thì dễ nhưng việc thực hiện sẽ vướng phải nhiều rào cản pháp lý. Trước đó, Mát-xcơ-va đã nhiều lần cảnh báo trả đũa đối với tài sản của Mỹ, châu Âu và quốc gia khác ở Nga nếu các bên tiến hành xử lý hơn 300 tỉ USD đang bị đóng băng. Với tâm lý chuẩn bị kiện phương Tây một khi bất kỳ tài sản nào bị tịch thu, Hãng tin Bloomberg cho biết CBR sắp hoàn tất các thỏa thuận với các công ty luật quốc tế để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp xảy ra đối đầu tại tòa án.

Bất chấp cảnh báo từ Nga, G7 đang tiếp tục đưa vấn đề ra tranh luận tại cuộc gặp bên lề hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Trong sự ủng hộ công khai rõ nhất cho đến nay, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào tối 27-2 đã nhấn mạnh sự cấp bách của việc cùng các đồng minh phương Tây tiến xa hơn tới khả năng giải phóng giá trị tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine. Lặp lại lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Rishi Sunak vào tuần trước, bà Yellen cho biết Washington tán thành bước đầu tiên mà EU thực hiện nhằm khai thác lợi nhuận từ tài sản Nga ở nước ngoài. Song, các bên cần có hành động táo bạo hơn trong nỗ lực tịch thu những tài sản đó để hỗ trợ Kiev.

Cho dù tịch thu hoàn toàn hay sử dụng làm tài sản thế chấp, bà Yellen tin rằng có cơ sở pháp lý vững chắc để củng cố hành động này theo luật pháp quốc tế, bao gồm khả năng viện dẫn khái niệm về các biện pháp đối kháng của nhà nước theo trách nhiệm pháp lý quốc tế. Theo một số học giả, những quốc gia nắm giữ tài sản Nga có quyền hủy bỏ nghĩa vụ của họ đối với Mát-xcơ-va và đưa những tài sản đó vào khoản tiền mà Nga phải gánh chịu vì “vi phạm chuẩn mực quốc tế”. Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno LeMaire đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm của người đồng cấp Mỹ khi nói rằng khái niệm các biện pháp đối kháng về lý thuyết là chưa đủ. Theo ông LeMaire, vốn dĩ không có cơ sở pháp lý để tịch thu tài sản của Nga và Pháp sẽ không bao giờ hành động nếu các đề xuất không tuân thủ quy định của pháp luật và luật pháp quốc tế. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà nước pháp quyền và sự đồng thuận quốc tế rộng rãi, Bộ trưởng LeMaire nói rằng tịch thu tài sản của Nga cần có sự ủng hộ của G20. Giới phân tích cho biết đây là điều không thực tế vì Nga cũng là thành viên của tổ chức này.

MAI QUYÊN (Theo NYT, Reuters)

Chia sẻ bài viết