13/04/2008 - 08:57

G-7 sẽ cải cách ngành tài chính để ngăn khủng hoảng

* G-24 kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ

(TTXVN)- Cùng lời cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang có những tín hiệu đáng lo ngại, cuộc họp cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ) kết thúc ngày 11-4 tại Washington (Mỹ), nhất trí thông qua kế hoạch cải cách ngành tài chính nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua.

Các quan chức tài chính G-7. Ảnh: AFP 

Đây là kế hoạch do Diễn đàn bình ổn tài chính (FSF) gồm các Thống đốc Ngân hàng Trung ương và các cơ quan tài chính lớn trên khắp thế giới soạn thảo. Kế hoạch này chú trọng giúp các công ty tài chính tăng cường năng lực xử lý rủi ro, tăng cường tính minh bạch trong đầu tư, cải thiện hoạt động của các công ty đánh giá tín dụng, thắt chặt hợp tác giữa các tổ chức giám sát tài chính và nâng cao năng lực của các ngân hàng trung ương trong việc cung cấp nguồn tiền mặt cấp bách vào thời điểm các thị trường bị chao đảo. Theo kế hoạch, trong vòng 100 ngày tới, các ngân hàng phải công bố “đầy đủ và kịp thời’’ những nguy cơ của họ do những biến động hiện nay trên thị trường tài chính gây ra.

Trong Tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-7 khẳng định việc nhanh chóng thực thi kế hoạch này sẽ góp phần phục hồi hệ thống tài chính toàn cầu, cổ vũ niềm tin và cải thiện hoạt động của các thị trường. Sự xáo trộn trong các thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang thách thức và kéo dài hơn dự đoán. Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thị trường tiền tệ và hợp tác thích đáng. Nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với một giai đoạn khó khăn và những triển vọng kinh tế ngắn hạn đã suy yếu, vì vậy, đại diện các nước G-7 cam kết hợp tác để bình ổn giá cả và củng cố hệ thống tài chính.

* Nhóm các nước đang phát triển (G-24) ngày 11-4 ra thông cáo hối thúc các nước phát triển tăng cường hỗ trợ tài chính, giúp các nước nghèo đối phó với hậu quả của cơn “bão giá” lương thực-thực phẩm và năng lượng cũng như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Trong cuộc họp của nhóm G-24 bên lề các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Thủ đô Washington (Mỹ), Chủ tịch G-24, Thống đốc Ngân hàng Trung ương CH Congo, ông Masangu Mulongo khẳng định cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu hiện nay có “gốc rễ” từ Mỹ và các nền kinh tế phát triển trên thế giới, do đó, các nước này phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả nghiêm trọng mà những nước đang phát triển và nghèo nhất thế giới đang phải gánh chịu.

Chia sẻ bài viết