"Liên minh châu Âu (EU) cần chiến lược dài hạn đối với Nga thay vì những giải pháp tức thời như hiện nay" tân Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk lên tiếng cảnh báo hôm 18-12.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên trong vai trò mới, cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk khẳng định trên thực tế, "Nga chứ không phải Ukraina" mới là vấn đề chiến lược của EU. Theo ông, thách thức lớn nhất hiện nay chính là cách tiếp cận của Mát-xcơ-va không chỉ đối với quốc gia láng giềng mà còn cả châu Âu. Chủ tịch EC cho rằng EU sẽ không thể tìm ra viễn cảnh lâu dài cho Ukraina mà không có chiến lược đầy đủ và thống nhất để đối phó với Nga. "Chúng tôi cần một kế hoạch, không phải tính theo tuần hay tháng mà là vài năm... EU không quá lạc quan mà cần phải thực tế" - ông Tusk tuyên bố. Cựu lãnh đạo Ba Lan còn cho rằng EU cần gửi đi thông điệp mạnh mẽ cho thấy khối này sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt tài chính tương tự những động thái chính trị hiện nay.

Chủ tịch EC Donald Tusk trong buổi họp báo tại trụ sở EU tuyên bố liên minh chuẩn bị và sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Nga. Ảnh: AFP
Hiện tại, EU và Mỹ đã thông qua lệnh trừng phạt mới chống lại Nga vì cái mà họ cho là sự can thiệp của Nga đẩy quốc gia láng giềng Ukraina vào tình trạng bất ổn. Theo đó, biện pháp mới cấm toàn bộ hoạt động du lịch và thương mại của các nhà đầu tư châu Âu với bán đảo Crimea vùng đất ly khai khỏi Ukraina để sáp nhập vào Nga. Các tổ chức EU cũng không được mua bất động sản hoặc tài trợ các công ty Crimea. Hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đen của Nga cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, giới lãnh đạo EU thống nhất quan điểm rằng trừng phạt có thể được nới lỏng khi lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin "thay đổi triệt để" lập trường của mình trong vấn đề Ukraina; đồng thời phe ly khai thân Nga phải tuân thủ thỏa thuận hòa bình ký kết tại Minsk hồi tháng 9.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU Federica Mogherini cho biết sự sụp đổ của đồng rúp "không phải là tin tốt" cho Nga, EU hay thế giới, nhưng biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục cho đến khi Điện Kremlin ngừng ủng hộ quân nổi dậy ở miền Đông Ukraina, đồng thời cho thấy sự thay đổi căn bản trong quan điểm và chuyển sang phương thức hợp tác. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Anh David Cameron thì khẳng định, các kênh đối thoại giữa EU và Nga luôn rộng mở nếu Mát-xcơ-va thay đổi thái độ của mình. Cùng quan điểm, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng EU chỉ giảm các biện pháp trừng phạt một khi Nga thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu.
Ngoài vấn đề trên, các nhà lãnh đạo EU trong tuyên bố ban hành sau hội nghị tái khẳng định liên minh sẵn sàng cùng Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ nền kinh tế đang cận kề bờ vực phá sản của Ukraina nếu Kiev đưa ra kế hoạch cải cách. Mặt khác, EU cũng nhất trí thúc đẩy kế hoạch của Chủ tịch Juncker về Quỹ Đầu tư chiến lược châu Âu (FEIS) để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng nhằm khôi phục nền kinh tế còn trì trệ của khối.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC, AFP)