Ngày 28-9 tới, Belarus sẽ tổ chức bầu cử quốc hội. Vài ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), ông Javier Solana, đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Alexander Lukashenko, trong đó hai bên thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị tại Belarus và nhấn mạnh sự cần thiết phải mở ra chương mới trong quan hệ song phương. Trước đó, Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã ra thông cáo nêu rõ lệnh trừng phạt chống Belarus có thể được dỡ bỏ nếu nước này tổ chức cuộc bầu cử quốc hội một cách dân chủ và công bằng, đồng thời sẽ xem xét kế hoạch mở rộng quan hệ chính trị, thương mại, văn hóa và trợ giúp phát triển kinh tế với Belarus. Cần nhắc lại là trong nhiều năm qua, EU đã hoãn các cuộc họp bộ trưởng song phương, thu hồi quy chế ưu đãi thương mại và cấm nhiều quan chức chính phủ Belarus, trong đó có cả Tổng thống Lukashenko, sang thăm EU vì tội “vi phạm nhân quyền, đàn áp chính trị”.
Theo báo chí châu Âu, EU muốn cải thiện quan hệ với Belarus nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của mình, đó là tìm cách ngăn chặn sự ra đời của một nhà nước liên bang kiểu mới giữa Nga và Belarus. Trước mắt, EU hy vọng có thể thuyết phục Belarus không công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia, hai vùng lãnh thổ ly khai của Gruzia, như Nga và Nicaragua đã làm. Tổng thống Lukashenko được xem là một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ nhiệt thành nhất chính sách đối ngoại của Nga, nên EU lo ngại Belarus sớm hay muộn gì cũng theo chân Mát-xcơ-va trong vấn đề này.
Thế nhưng, theo một số nhà phân tích, rất có thể EU muốn sử dụng chiêu bài cải thiện quan hệ, ưu đãi thương mại và viện trợ kinh tế để thuyết phục cử tri Belarus bỏ phiếu ủng hộ các ứng viên của phe đối lập trong cuộc bầu cử sắp tới. Còn trong trường hợp phe đối lập thất bại, EU sẽ quay sang phê phán cuộc bầu cử là không tự do, minh bạch vì Belarus chỉ cho phép vài chục (chứ không phải vài ngàn) quan sát viên quốc tế độc lập đến theo dõi. Dư luận thiên về kịch bản này hơn vì EU có lẽ vẫn chưa sẵn sàng cải thiện quan hệ với chính quyền của ông Lukashenko, người mà chính quyền Mỹ từng mô tả như “nhà độc tài cuối cùng của châu Âu”.
PHÚC NGUYÊN
(Theo RIA Nivosti, Themoscowtimes, Bloomberg)