|
Tân Chủ tịch EU Van Rompuy và Ngoại trưởng Catherine Ashton. Ảnh: Reuters |
Sau 2 tuần tranh cãi, ngày 19-11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chọn Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy làm Chủ tịch EU đầu tiên với nhiệm kỳ 2 năm rưỡi, thay thế cho chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng một lần như hiện nay. Còn Ngoại trưởng EU, vị trí cao cấp thứ hai mới được tạo ra theo Hiệp ước Lisbon (thay thế Hiến chương EU), thuộc về Cao ủy Thương mại EU Catherine Ashton. Hai nhân vật, chính thức đảm nhận cương vị mới ở EU vào ngày 1-12 tới, đều được xem là chính khách có khả năng xây dựng đồng thuận, tạo đà phát triển mới cho EU.
Việc lựa chọn trên của các nhà lãnh đạo EU được xem là “cân bằng”, khi chức Chủ tịch được trao cho một chính khách trung hữu, còn vị Ngoại trưởng là người của phái trung tả. Không chỉ là đại diện cấp cao nhất của EU giải quyết các vấn đề quốc tế (giống như một tổng thống), vị chủ tịch mới này còn có nhiệm vụ chuẩn bị các hội nghị thượng đỉnh của khối. Trong khi đó, với cương vị mới, bà Ashton sẽ phải đảm nhiệm các trách nhiệm của cả Đại diện cấp cao EU về an ninh và chính sách đối ngoại chung, và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề đối ngoại hiện nay. Đây được xem là bước cải cách các chức năng bên trong EU, nhằm xây dựng một EU mạnh và trung lập.
Các nhà quan sát cho rằng việc ông Herman Van Rompuy được bầu vào vị trí cao nhất của EU không phải là điều bất ngờ. Trong suốt 2 tuần qua, kể từ khi Hiệp ước Lisbon được Cộng hòa Czech, nước cuối cùng trong EU phê chuẩn, chính khách 62 tuổi này của Bỉ đã trở thành tâm điểm lựa chọn của nhiều quốc gia EU (trừ Anh, nước vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu giành vị trí trên cho cựu Thủ tướng Anh Tony Blair). Tuy nhiên, việc Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại Catherine Ashton được chọn vào vị trí “Ngoại trưởng của EU” lại nằm ngoài mong đợi của nhiều người, vì trước đó bà ít được nhắc đến trong số những ứng cử viên “sáng giá”. Mọi chuyện xuất phát từ động thái bất ngờ của Thủ tướng Anh Gordon Brown khi ông đã ngừng vận động cho ông Blair (gần như hết hy vọng giành chức Chủ tịch EU) để chuyển sang thuyết phục các nước EU ủng hộ bà Ashton, người từng kinh qua một số vị trí chủ chốt ở các bộ Giáo dục và Tư pháp trước khi trở thành Chủ tịch Hạ viện Anh năm 2007. Bà Ashton là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí cao như vậy ở EU.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Baroso khẳng định việc các nhà lãnh đạo EU nhất trí bầu Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy vào chức Chủ tịch EU đầu tiên là rất quan trọng vì từ nay EU đã có người đại diện ổn định; quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga và thậm chí với cộng đồng quốc tế không gặp khó khăn như hiện nay khi chức Chủ tịch luân phiên 6 tháng. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama, vừa trở về sau chuyến công du châu Á, đã hoan nghênh quyết định bổ nhiệm Chủ tịch đầu tiên của EU, cho rằng điều này sẽ khiến châu Âu trở thành “đối tác thậm chí còn mạnh hơn” của Mỹ.
N. MINH (Theo WSJ, BBC, AFP và TTXVN)