11/07/2024 - 21:51

ECOWAS trước nguy cơ tan rã 

Burkina Faso, Mali và Niger vừa cho thấy rõ quyết tâm rời khỏi Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) khi ký kết Hiệp ước Liên minh các quốc gia Sahel (AES), làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tan rã của khối 49 năm tuổi này, vốn được thành lập nhằm cho phép hàng hóa và gần 400 triệu người trong khu vực tự do đi lại.

Giới lãnh đạo ECOWAS nhóm họp ở thủ đô Abuja (Nigeria) hôm 7-7. Ảnh: EPA

Thông qua AES, lãnh đạo 3 nước Burkina Faso, Mali và Niger cam kết thành lập một ngân hàng đầu tư chung và thực hiện các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và cơ sở hạ tầng - những ưu tiên mà ECOWAS thúc đẩy trong nhiều thập niên. Chưa hết, lãnh đạo 3 nước còn tuyên bố thành lập một lực lượng quân sự chung để chống lại quân nổi dậy thánh chiến đã sát hại hàng chục ngàn thường dân ở 3 nước trong thập niên qua.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ECOWAS ở thủ đô Abuja (Nigeria) hôm 7-7, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray bày tỏ lo ngại: “Khu vực của chúng ta đang đối mặt với nguy cơ tan rã”. Theo ông Touray, quyền tự do đi lại và thị trường chung 400 triệu dân là một trong những lợi ích chính của khối nhưng những lợi ích này sẽ bị đe dọa nếu Burkina Faso, Mali và Niger rời đi. Ông này cho rằng việc tài trợ các dự án kinh tế trị giá hơn 500 triệu USD ở 3 nước cũng có thể bị chấm dứt hoặc đình chỉ. “Xét đến những lợi ích này, rõ ràng là sự tan rã của ECOWAS sẽ không chỉ cản trở sự tự do đi lại và định cư của người dân, mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn trong khu vực” - ông Touray nhấn mạnh.

Trong nỗ lực nhằm xoa dịu 3 nước trên, các nhà lãnh đạo ECOWAS chỉ định Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye làm người điều phối và phối hợp với Tổng thống Togo Faure Gnassingbé tổ chức đối thoại với 3 nước này. Song, giới chuyên gia cho rằng nguy cơ ECOWAS tan rã là rất cao và hậu quả mà người dân trong khu vực phải gánh chịu là rất nặng nề.

Ba nước dưới sự lãnh đạo của các chính quyền quân sự thân Nga nói trên chiếm hơn một nửa diện tích của ECOWAS và nằm trong số những quốc gia đông dân nhất khu vực. Cả 3 có chung đường biên giới, có quan hệ về văn hóa và sắc tộc mật thiết.

Sau các cuộc chính biến xảy ra vào tháng 8-2021 tại Mali, tháng 9-2022 tại Burkina Faso và tháng 7-2023 tại Niger, ECOWAS tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên cả 3 nước. Bên cạnh đó, ECOWAS cũng áp đặt các biện pháp cấm vận đối với Niger và Mali, đồng thời đe dọa trừng phạt bằng quân sự. Theo tờ Thời báo New York (Mỹ), trong Hiệp ước AES vừa được ký kết, 3 nhà lãnh đạo của Burkina Faso, Mali và Niger đã lên án “các biện pháp trừng phạt phi pháp, không chính đáng và vô nhân đạo” này. “Chúng tôi sẽ tạo ra một AES của nhân dân, thay vì một ECOWAS có các chỉ thị và hướng dẫn do các cường quốc ngoài châu Phi đưa ra” - Tướng Abdourahmane Tchiani của Niger tuyên bố.

Tuy nhiên, Burkina Faso, Mali và Niger vẫn là thành viên của Khu vực đồng franc châu Phi (CFA) - khu vực sử dụng đồng tiền chung của 8 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Tiền tệ Tây Phi (gồm Benin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Guinea-Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo) và 6 nước thuộc Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi. Do đó, giới chuyên gia cho rằng hiện tại, người dân và hàng hóa ở những quốc gia đó vẫn có thể đi lại tự do.

 ECOWAS trước đây gồm 15 thành viên. Ngoài 3 nước trên tuyên bố rút khỏi khối sau khi bị đình chỉ tư cách hồi tháng 1, các thành viên còn lại gồm Benin, Cabo Verde, Bờ Biển Ngà, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Liberia, Nigeria, Senegal, Sierra Leone và Togo. Về mặt pháp lý, Burkina Faso, Mali và Niger vẫn là thành viên của ECOWAS và Điều 91 của Hiệp ước ECOWAS quy định, các thành viên vẫn bị ràng buộc về nghĩa vụ trong 1 năm sau khi thông báo rút lui. Vì vậy, đây là cơ sở để ECOWAS hy vọng có thể lật lại tuyên bố rút lui “không thể đảo ngược và ngay lập tức” của các nhà lãnh đạo 3 nước trên.  

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết