14/03/2017 - 22:11

Đường ra khó khăn

Quốc hội Anh cuối cùng đã bật đèn xanh cho phép nữ Thủ tướng Theresa May kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để mở đường đàm phán rút nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tiến trình Brexit được dự báo sẽ gặp rất nhiều trở ngại này dự kiến kéo dài 2 năm, bắt đầu từ cuối tháng 3 tới.

Bà Theresa May đã tuyên bố sẽ không để nước Anh "chân trong chân ngoài" với EU, nghĩa là chấp nhận cắt đứt mọi sợi dây gắn kết với EU. Đáp lại, theo hãng tin AFP, giới lãnh đạo EU tại Brussels cảnh báo Luân Đôn phải trả một cái giá rất đắt cho "cuộc ly hôn" này bằng những điều kiện khắt khe.

Chia tay EU là con đường để nước Anh kiểm soát dòng người nhập cư ồ ạt từ khối này, nhưng đây lại là đối tác thương mại lớn nhất với khối thị trường chung 500 triệu người tiêu dùng và có tổng GDP 16.500 tỉ euro. Nước Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP 2.761 tỉ USD và dân số khoảng 65 triệu người. Vì thế, nếu mất lợi ích thương mại tại châu Âu mà không có thị trường khác bù đắp thì sức khỏe nền kinh tế xứ sương mù chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như các lãnh đạo Brussels tuyên bố, Luân Đôn phải trả giá một cách sòng phẳng, thậm chí đắt đỏ hơn để được duy trì lợi ích kinh tế tại khu vực thời hậu Brexit. Trong bối cảnh hiện nay, theo AFP, giới lãnh đạo EU phải "làm găng" với nước Anh bởi họ lo ngại làn sóng dân túy đang trỗi dậy đòi rút khỏi Hiệp ước Lisbon ở nhiều nước thành viên. Một kịch bản tương tự có thể đẩy EU đến bờ sụp đổ theo kiểu domino.

Trong khi đó, nếu chính quyền bà Theresa May không bảo vệ được lợi ích quốc gia ở thị trường chung truyền thống quan trọng nhất thì sẽ đối mặt với nguy cơ từ cuộc trưng cần dân ý lần hai của Scotland muốn tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Nữ Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon vừa dọa sẽ tổ chức cuộc trưng cần dân ý mới vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019 sau khi ngày Brexit được xác định. Năm 2014, 55% cử tri Scotland đã không đồng ý rời Anh. Nhưng có tới 62% người dân nơi đây đã bỏ phiếu muốn Anh ở lại EU hồi năm ngoái.

Rõ ràng, cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Anh của Scotland nếu một lần nữa diễn ra trước ngày hậu Brexit thì khả năng ly khai sẽ rất lớn. Đây mới thật sự là một thảm họa nếu Anh mất đi "khúc ruột" có GDP khoảng 235 tỉ USD. Con đường dẫn nước Anh rời khỏi EU của bà Theresa May xem ra quá khó khăn, nguy hiểm.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết