12/11/2008 - 20:09

Đừng để rối mới gỡ!

Ruộng lúa thơm ở Sóc Trăng. Ảnh: ANH KHOA

Hiện nay, chỉ riêng tại cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) đã có hơn 1.000 tấn lúa thơm mỗi ngày được chuyển từ Campuchia sang. Nhiều người tiêu dùng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Hồ Chí Minh... chuộng gạo thơm, trong khi vụ mùa vừa qua nông dân chỉ tập trung sản xuất lúa cao sản IR 50404... để bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu nên mới sinh ra tình trạng này. Thị trường nội địa đã bị bỏ quên?

Thực ra, nông dân cũng đã thấy được vấn đề, nhất là khi vừa qua lúa IR 50404 bị doanh nghiệp xuất khẩu ngoảnh mặt, nên hiện nay đang xuất hiện trào lưu mới là xuống giống lúa thơm. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ cho biết, Công ty cũng đang có kế hoạch tăng lượng tiêu thụ nội địa với loại gạo thơm làm chủ lực.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cũng thừa nhận, nhiều nông dân đang khá hăm hở với lúa thơm. Nhưng đây lại là thông tin đáng lo ngại- ít nhất là trong thời điểm này. Chính ông Hồ Minh Khải cũng lo lắng: “Nhiều vùng đang chuyển sang xuống giống lúa thơm, không khéo sắp tới lại vướng!”.

Lo lắng của ông Khải hoàn toàn có cơ sở. Bởi gạo thơm của Việt Nam không thể cạnh tranh với gạo thơm Thái Lan, vốn đã có thương hiệu, nên rất khó đẩy mạnh lượng xuất khẩu. Những năm gần đây, nhiều nhất thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất được hơn 100.000 tấn/năm (tính cả nếp), chiếm chỉ hơn 2% sản lượng xuất khẩu. Giả sử như nông dân đều trồng gạo thơm, làm sao thị trường nội địa- vốn có giới hạn, có thể “ngốn” hết và lượng gạo thừa biết bán cho ai? Mặt khác, theo tiến sĩ Bảnh, lúa thơm có năng suất thấp hơn các giống lúa khác (cao nhất chỉ đạt 6 tấn/ha) và đáng lo nhất là dễ nhiễm sâu bệnh. Lúa thơm lại thường chỉ cho gạo ngon khi được trồng ở vùng ven biển, nước lợ... nếu đem các giống này về vùng khác trồng thì cho gạo có chất lượng kém xa!

Cũng may! Bởi theo tiến sĩ Bảnh, do khả năng cung ứng giống hạn chế, nên diện tích lúa thơm ở vụ đông xuân tới dự báo không tăng rầm rộ. Tuy vậy, nếu nông dân không được cảnh báo ngay từ lúc này, thì diễn tiến những vụ tới sẽ rất khó lường. Theo tìm hiểu của tiến sĩ Bảnh, thông thường giống xác nhận hoặc tương đương chỉ chiếm khoảng 30% lượng lúa xuống giống mỗi vụ, tức có khoảng 70% lượng giống được nông dân tự sản xuất. Do đó, khả năng tăng nhanh nguồn cung giống cho vụ tới là điều hoàn toàn trong tầm tay của nông dân, dễ dẫn đến diện tích lúa thơm tăng mạnh.

Nhưng cũng theo tiến sĩ Bảnh, rất khó đề cập đến việc quy hoạch từng vùng lúa với những loại giống cụ thể cho nông dân. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có thể khuyến cáo về kỹ thuật, giống lúa, trong khi bán buôn như thế nào lại là chuyện của Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, còn quản lý đất đai lại là chuyện của Bộ Tài nguyên- Môi trường. Giả như cứ hăm hở quy hoạch vùng lúa nào đó, hay ít lâu sau Bộ Tài nguyên- Môi trường quy hoạch đất vùng đó thành khu công nghiệp... thì cũng thua”, ông Bảnh nói.

Vấn đề ở đây là trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin để định hướng cho nông dân, đừng để họ tự phát để rồi bế tắc đầu ra như vụ IR 50404 mới đây. Cũng như theo tiến sĩ Bảnh, hiện loại giống IR 64 cho gạo hạt dài, ngon, vừa có thể bán xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa... Nông dân cần lắm những thông tin ấy!

HỒ HÙNG

Ruộng lúa thơm ở Sóc Trăng. Ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết