24/03/2010 - 08:48

Đức một mình chống EU?

Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như “đơn thương độc mã” trong “cuộc chiến” này.
Ảnh: AFP

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Bỉ vào ngày 25 và 26-3, Liên minh châu Âu (EU) lại chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề giải cứu Hy Lạp, khi Đức tiếp tục bất đồng với các thành viên khác. Trong khi hầu hết các nước EU đề nghị sớm đưa ra quyết định về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tuyên bố chưa cần sự hỗ trợ tài chính từ EU, nên không phải giúp đỡ nước này. Bà Merkel cũng nói bóng gió rằng Athens có thể vay tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các nhà phân tích cho rằng Berlin lo ngại cứu trợ trực tiếp cho Hy Lạp có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nước thành viên khu vực đồng euro khác khi gặp khó khăn. Biện pháp này cũng có thể dẫn đến những thách thức tại Tòa án Hiến pháp liên bang Đức, do EU cấm các nước thành viên bảo lãnh một nước thành viên khác. Mặt khác, bà Merkel còn lo ngại đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền bị mất điểm trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5 tới. Khảo sát cho thấy 61% cử tri Đức phản đối bất kỳ gói giải cứu nào cho Hy Lạp.

Trong cuộc điều trần trước Nghị viện châu Âu hôm 22-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã “châm ngòi” cuộc tranh cãi khi cho rằng lập trường của Thủ tướng Đức tạo điều kiện để thị trường tài chính tấn công đồng euro. Theo ông, nếu khủng hoảng nợ Hy Lạp kéo dài sẽ đe dọa sự ổn định trong khu vực đồng euro và nuôi dưỡng nạn đầu cơ nợ chính phủ, một trong những nguyên nhân được cho là đã gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean Claude Trichet và người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro Jean Claude Juncker cũng chỉ trích bà Merkel “ấu trĩ” khi đề nghị trục xuất các nước thành viên vi phạm các quy định tài chính của EU ra khỏi khu vực đồng euro.

Trong khi đó, Thủ tướng Papandreou thừa nhận Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không nhận được trợ giúp, đặc biệt dưới hình thức giảm lãi suất cho vay trên thị trường tài chính quốc tế đối với Hy Lạp và một cơ chế ngăn chặn nạn đầu cơ. Phó Thủ tướng nước này Theodoros Pangalos cáo buộc Berlin “chơi bẩn” khi cho phép các ngân hàng Đức đầu cơ trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, trong khi các công ty xuất khẩu của Đức được lợi từ việc đồng euro giảm giá do cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Ông Pangalos cho rằng nếu EU không hành động nhanh chóng, sự tồn tại của đồng euro sẽ không còn ý nghĩa và sự liên kết của EU trong nhiều thập kỷ qua sẽ “tan thành mây khói”.

Trong số các nước EU thì Tây Ban Nha, Pháp và Ý ủng hộ mạnh mẽ nhất việc giải cứu Hy Lạp. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Miguel Moratinos cho rằng hội nghị thượng đỉnh EU là thời điểm quyết định đối với EU và đồng euro. Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “củng cố EU”, khi tuyên bố “EU không thể bỏ những người bạn Hy Lạp”. Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cũng nói rằng EU không có lý do gì để tồn tại nếu các thành viên tổ chức này không sẵn sàng giúp đỡ một nước thành viên khác gặp khó khăn. Thật ra, đằng sau sự ủng hộ này còn là một câu chuyện khác. Tây Ban Nha hiện đang là chủ tịch luân phiên EU nên phải tỏ ra có trách nhiệm với quốc gia thành viên. Pháp thì không muốn IMF xen vào vì như vậy sẽ nâng cao vị thế của Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn, người có thể trở thành đối thủ đáng gờm nhất của Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử vào năm 2012. Còn bản thân Ý cũng bị coi là một trong những mắt xích yếu nhất của khu vực đồng euro với nợ công năm nay có thể lên tới 117% GDP, xấp xỉ mức 120% của Hy Lạp.

N. KIỆT
(Theo AFP, Reuters, TTXVN)

Thủ tướng Đức Angela Merkel dường như “đơn thương độc m㔠trong “cuộc chiến” này. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết