17/09/2024 - 06:56

Đức mở rộng sự hiện diện tại Trung Á 

Trong bối cảnh cả Nga và Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Trung Á, Đức đang sử dụng cả kênh kinh tế và ngoại giao để tăng cường sự hiện diện của mình tại các quốc gia quan trọng ở khu vực này.

Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc hội đàm hôm 15-9. Ảnh: Daryo

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du 3 ngày đầu tiên tới Trung Á bằng việc sang thăm Uzbekistan và có cuộc hội đàm với Tổng thống Shavkat Mirziyoyev. Hai bên đã ký kết 8 thỏa thuận quan trọng, bao gồm các lĩnh vực như di cư, hợp tác kinh tế, phát triển bền vững và quan hệ đối tác công nghệ có tổng trị giá lên đến 9 tỉ euro. 

Trong số thỏa thuận nổi bật giữa hai nước là việc giúp người lao động có tay nghề Uzbekistan dễ dàng chuyển đến Đức hơn, động thái nhằm phản ứng trực tiếp đối với tình trạng thiếu hụt lao động của Đức. Thỏa thuận này cũng sẽ đẩy nhanh quá trình hồi hương của công dân Uzbekistan ở Đức mà không có giấy phép cư trú hợp pháp. Hiện có tổng cộng khoảng 13.700 người Uzbekistan sống ở Đức, trong đó chỉ có khoảng 200 người được cho là đủ điều kiện hồi hương. Chính phủ Đức coi việc ký kết thỏa thuận với các quốc gia quê hương của người di cư là một phần trọng tâm trong chiến lược và chính sách quản lý vấn đề di cư của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ngoài vấn đề di cư, với trữ lượng khoáng sản trọng yếu dồi dào, Uzbekistan đang trở thành đối tác then chốt của Đức, nước đang muốn giảm sự phụ thuộc khoáng sản vào Trung Quốc.

Tiếp theo Uzbekistan, ông Scholz sẽ sang thăm Kazakhstan, quốc gia lớn nhất và có nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực Trung Á. Tại đây, Thủ tướng Đức sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo của tất cả 5 quốc gia Trung Á, gồm Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Năm ngoái, Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với cả 5 quốc gia này bao gồm các vấn đề kinh tế, năng lượng, khí hậu và môi trường.

Theo giới quan sát, thông qua việc cân bằng mối quan hệ với các quốc gia chủ chốt ở Trung Á, Berlin đang chứng minh rằng Trung Á không chỉ là một khu vực trung chuyển tài nguyên mà còn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các diễn biến kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

NGUYỆT CÁT (Theo News.az, DW)

Chia sẻ bài viết