06/02/2018 - 10:02

Đức giục châu Âu chặn nguy cơ chạy đua hạt nhân 

Theo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (ảnh), châu Âu phải đi đầu trong kế hoạch thúc đẩy giải trừ hạt nhân sau khi Lầu Năm Góc đề xuất nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ để sẵn sàng đương đầu với lực lượng hạt nhân mới từ Nga.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Hãng tin AFP trích đánh giá của Ngoại trưởng Đức cho biết tình hình hiện nay cũng giống với thời Chiến tranh Lạnh, trong đó châu Âu đang đứng trước nguy cơ đối mặt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới. “Đây là lý do vì sao châu Âu cần khởi động những sáng kiến mới nhằm kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân” – ông Gabriel nhấn mạnh. Phát biểu hôm 4-2, Ngoại trưởng Gabriel thừa nhận sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 đã khiến châu Âu cũng như Mỹ sụt giảm lòng tin nghiêm trọng đối với Mát-xcơ-va. Ông Gabriel thậm chí coi đây là dấu hiệu Nga đang “tái vũ trang”, không chỉ gồm vũ khí truyền thống mà cả vũ khí hạt nhân. Nhưng thay vì chạy đua phát triển các loại khí tài mới, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức kêu gọi các bên phải tôn trọng vô điều kiện tất cả hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện hành. Ngoại trưởng Gabriel còn khẳng định Berlin sẽ thúc giục đồng minh và những nước đối tác giải trừ vũ khí trên toàn cầu, đáp ứng mục tiêu lâu dài về một thế giới không vũ khí hạt nhân. Đây cũng là mục tiêu lớn mà Washington dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama theo đuổi.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức về vai trò của châu Âu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân, vạch rõ mục tiêu của Washington là hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân hiện có, đồng thời phát triển các loại vũ khí “cường độ thấp”. Chính sách mới được công bố trong bối cảnh hiệp định giữa Nga và Mỹ về hạn chế triển khai đầu đạn hạt nhân (START 2) bắt đầu có hiệu lực đầy đủ kể từ ngày 5-2. Khi ký kết 8 năm trước, Tổng thống Obama hy vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới việc cắt giảm sâu rộng và cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng nhiều người cho rằng START 2 vốn hết hạn vào năm 2021 sẽ đặt dấu chấm hết cho 30 năm nỗ lực cắt giảm kho hạt nhân. Bởi qua học thuyết mới của Nhà Trắng, tờ New York Times nhận định Washington và Mát-xcơ-va đang đối đầu trong cuộc chạy đua vũ trang mới, trong đó  ít tập trung vào số lượng vũ khí hạt nhân mà thay vào đó là chiến thuật và công nghệ nhằm vượt mặt đối phương.

Chính sách này nhận được ủng hộ từ các chuyên gia quốc phòng Mỹ, kể cả những người từng quan ngại trước những lời đe dọa của Tổng thống Trump sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên. Ngay cả những nhà phê bình gay gắt nhất cũng thừa nhận Mỹ phải có động thái khi Nga và Trung Quốc đang mạnh tay hiện đại hóa lực lượng của họ. Dù vậy, những người chỉ trích cho rằng chính sách hạt nhân mới có thể xóa mờ lằn ranh phân biệt giữa vũ khí hạt nhân với phi hạt nhân, từ đó mở rộng việc sử dụng chúng và tăng nguy cơ bùng phát chiến tranh hạt nhân.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết