30/04/2023 - 07:39

Dự báo sốt xuất huyết tiếp tục tăng 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ dự báo trong các tháng tới, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) vẫn sẽ tiếp tục tăng do mùa mưa năm nay đến sớm. Người dân cần cảnh giác cao với dịch bệnh.

Ðoàn công tác của ngành y tế thành phố kiểm tra lăng quăng tại nhà dân ở huyện Cờ Ðỏ. Ảnh: CTV

Thống kê của CDC Cần Thơ, số ca mắc SXH của TP Cần Thơ từ đầu năm 2023 đến 24-4-2023 là 832 ca, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ có 259 ca mắc). Ðáng lo ngại là số ca mắc trong năm 2023 tăng dần từ tháng 1 đến tháng 3, trong khi thời điểm này nắng nóng, không thuận lợi cho muỗi và lăng quăng phát triển, sinh sản, không phải là mùa cao điểm của SXH.

Tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Ninh Kiều (196 ca/53 ca), Thốt Nốt (119 ca/73 ca), Cờ Ðỏ (101 ca/24 ca), Cái Răng (97 ca/22 ca), Thới Lai (87 ca/21 ca), Bình Thủy (80 ca/12 ca), Ô Môn (69 ca/16 ca), Phong Ðiền (44 ca/18 ca) và Vĩnh Thạnh (39 ca/20 ca).

Mới đây, Sở Y tế, CDC Cần Thơ đã thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch tại 2 huyện Phong Ðiền và Cờ Ðỏ. Tại huyện Phong Ðiền, số ca mắc thấp so với 9 quận, huyện, tuy nhiên tháng 3 là tháng có số ca mắc cao nhất, tăng 3,5 lần so với tháng 1-2023 (21 ca/6 ca) và tăng 2,3 lần so với tháng 2-2023 (21 ca/9 ca). Số ca nặng có xu hướng tăng. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao với DEN-1 và DEN-2 và DEN-4 cùng lưu hành nhưng DEN-2 chiếm ưu thế.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cờ Ðỏ, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 18-4-2023, toàn huyện ghi nhận 98 ca mắc SXH, số ca tay chân miệng là 13 ca. Trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số ca mắc, ổ dịch trong tháng 3, Trung tâm Y tế huyện phối hợp CDC và UBND thị trấn Cờ Ðỏ tiến hành khảo sát, đánh giá, phun hóa chất diện rộng trên 4 ấp có nguy cao bùng phát dịch trên địa bàn thị trấn, xử lý triệt để các ổ dịch phát hiện. Tiếp tục duy trì các đội cấp cứu lưu động của Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế các xã và 2 đội phòng, chống dịch lưu động để triển khai, đáp ứng nhanh công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Qua kiểm tra 2 địa phương, CDC Cần Thơ khuyến cáo các địa phương cần tập trung, hỗ trợ các phường, xã có nguy cơ nhằm hạn chế ca mắc tăng cao vào các tháng tới, đánh giá các điểm nguy cơ tại từng khu vực cụ thể để thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả. Ðồng thời, tích cực xử lý triệt để ổ dịch SXH. Duy trì hoạt động lấy mẫu muỗi gởi Viện Pasteur TP HCM xét nghiệm, tuân thủ các quy trình điều tra, giám sát véc-tơ. Duy trì thực hiện giám sát côn trùng thường xuyên ít nhất mỗi quận/huyện 1 điểm. Ðẩy mạnh hoạt động giám sát xét nghiệm, xác định tuýp virus lưu hành. Thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tể, đánh giá nguy cơ thông qua số liệu ca bệnh, côn trùng, xét nghiệm để sớm phát hiện điểm nóng và triển khai các hoạt động can thiệp kịp thời.

Ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, đề nghị các địa phương tăng cường rà soát vật tư, hóa chất để kịp thời dự trù, bổ sung phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ðẩy mạnh công tác truyền thông trên đài truyền thanh, loa, truyền thông trực tiếp, vãng gia kết hợp kiểm tra nhiều nội dung phòng, chống dịch như: sốt xuất huyết, COVID-19, thủy đậu...

Vừa qua, tại cuộc họp phòng, chống dịch với 63 tỉnh, thành phố, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua báo cáo của các địa phương cho thấy có sự gia tăng bệnh SXH so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi theo dự báo năm nay, diễn biến thời tiết có nhiều thất thường, nguy cơ gia tăng ca mắc SXH. Ngay từ bây giờ, các tỉnh, thành cần triển khai các chiến dịch giám sát các ổ dịch, tăng cường truyền thông để người dân tích cực phòng, chống dịch.

Chia sẻ bài viết