02/09/2010 - 16:03

Dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế châu Âu

Kinh tế Khu vực đồng euro có nhiều tín hiệu
tốt lành. Ảnh: EPA

* IMF nới lỏng tín dụng phòng ngừa khủng hoảng

(TTXVN)- “Thời báo Tài chính” (Anh) ngày 1-9 đã có nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế châu Âu và cho rằng tương lai tươi sáng đã đến với khu vực kinh tế lớn thứ tư thế giới này.

Bài báo dẫn các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã tăng mạnh trong ba tháng tính đến tháng 6 vừa qua. Các số liệu mới nhất vừa được công bố cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của EU được giữ ổn định liên tục từ tháng 2, mặc dù số người thất nghiệp chiếm gần 10% lực lượng lao động.

Các dự báo cho thấy rằng mức ổn định này sẽ được giữ vững đến hết năm nay. Theo thông báo của Ủy ban châu Âu ngày 31-8, chỉ số lạc quan về kinh tế của Khu vực đồng euro đã tăng đột biến trong tháng 8. Người tiêu dùng đã tỏ ra lạc quan nhất kể từ cuối năm 2007.

Đức là nước dẫn đầu nhiều nền kinh tế lớn của châu lục này về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh trong nhiều tuần gần đây.

Ngoài 16 nước trong Khu vực đồng euro, tăng trưởng kinh tế của Anh đã cao hơn Mỹ. Chính phủ Thụy Điển dự báo kinh tế nước này tăng 4,5% năm nay, trong khi Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng cho thấy sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bất chấp việc nền kinh tế Nga vẫn chịu ảnh hưởng của đợt hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng vừa qua.

Cùng ngày 1-9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định mở rộng và tăng cường các công cụ tín dụng cho vay để ngăn ngừa tái diễn các cuộc khủng hoảng tài chính. Theo đó, thời gian cho vay tăng từ 6 tháng lên tới 2 năm và số tiền cho vay lên tới 5 lần số hạn ngạch của nước thành viên IMF theo quy chế Dòng tín dụng linh hoạt (FCL) hiện hành, đồng thời thiết lập Dòng tín dụng phòng ngừa (PCL) mới dành cho các nước thành viên có chính sách được IMF đánh giá là tốt, nhưng chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn tín dụng cao của FCL.

Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn khẳng định các quyết định trên của IMF là bước đi quan trọng hỗ trợ các nước thành viên tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Hai dòng tín dụng này sẽ giúp các nước thành viên có thể tự bảo vệ trước những biến động thái quá của thị trường. Việc IMF tăng cường các công cụ bảo hiểm cũng nhằm khuyến khích các nước thành viên tiếp cận các công cụ này một cách đúng lúc để ngăn ngừa khủng hoảng và bảo vệ họ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hệ thống.

Chia sẻ bài viết