02/01/2021 - 08:02

"Đồng vợ đồng chồng" điều chế vaccine COVID-19 

Với gần 10 tháng phát triển, vaccine COVID-19 đã đánh bại kỷ lục điều chế nhanh nhất (hơn 3 năm) của vaccine ngừa quai bị hồi những năm 1960. Trong thành công này, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng bác sĩ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Uğur Şahin và Özlem Türeci.

Tiến sĩ Türeci (trái) bên cạnh người bạn đời và cũng là đồng nghiệp. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Türeci (trái) bên cạnh người bạn đời và cũng là đồng nghiệp. Ảnh: Reuters

Họ chính là những người đã thành lập Công ty sinh học BioNTech - đối tác của Tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer trong dự án phát triển vaccine COVID-19 hiệu quả đầu tiên trên thế giới. Tờ Financial Times bình chọn cặp đôi này là Nhân vật của năm 2020 với câu chuyện truyền cảm hứng về trí tuệ, sự kiên trì nghiên cứu khoa học và quyết định táo bạo trong kinh doanh.

Tiến sĩ Şahin sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1965 và chuyển đến Đức lúc 4 tuổi. Trong khi đó, Tiến sĩ Türeci sinh ra tại Đức năm 1967 trong gia đình bác sĩ nhập cư gốc Thổ. Họ gặp nhau vào thập niên 90 của thế kỷ trước và Bệnh viện Đại học Hamburg là nơi chứng kiến mối tình đẹp giữa hai tâm hồn có chung niềm đam mê khoa học ứng dụng, đặc biệt là khao khát phát minh ra phương pháp điều trị ung thư mới. Tiến sĩ Türeci kể vui rằng trong ngày cưới cả hai vẫn làm việc trong phòng thí nghiệm.

Năm 2001, Tiến sĩ Türeci cùng chồng thành lập Hãng dược Ganymed Pharmaceuticals tiên phong trong các liệu pháp kháng thể giúp ngăn ngừa và điều trị các bệnh nghiêm trọng như ung thư hoặc bệnh do di truyền. Năm 2016, hai người quyết định bán Ganymed với giá 1,4 tỉ USD để tập trung vào BioNTech, vốn được thành lập từ năm 2008 nhằm mở rộng các nghiên cứu về phương pháp điều trị kháng thể dựa trên ứng dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA). BioNTech hiện có hơn 1.800 nhân viên với phần lớn đội ngũ là các nhà khoa học đến từ 60 quốc gia, một nửa trong số họ là phụ nữ.

Trước khi COVID-19 bùng phát, Tiến sĩ Şahin đã dành hàng chục năm nghiên cứu ứng dụng mRNA, sao chép mã di truyền của virus thay vì đưa virus thực vào cơ thể để kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư. Hồi cuối tháng 1, ông đã sử dụng kiến ​​thức này để thiết kế một phiên bản vaccine trên máy tính sau khi đọc nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet về căn bệnh viêm phổi nghiêm trọng ít người biết đến ở Trung Quốc. Khi thảo luận với vợ, Tiến sĩ Şahin tin rằng căn bệnh này có nguy cơ cao bùng nổ thành đại dịch toàn cầu.

Bị thuyết phục trước những kịch bản thảm họa mà SARS-CoV-2 có thể gây ra, Tiến sĩ Türeci cùng các thành viên còn lại trong hội đồng quản trị BioNTech đã thông qua dự án mang tên "Tốc độ ánh sáng" nhằm chế tạo vaccine nhanh nhất có thể dựa trên công nghệ mRNA. Ðích thân Tiến sĩ Şahin nghiên cứu mô hình 10 loại vaccine và một trong số ấy chính là loại được Anh cấp phép sử dụng đầu tiên hồi đầu tháng 12-2020, rồi đến Mỹ, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Năm 2019, BioNTech tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và giá trị vốn hóa thị trường của công ty những tháng gần đây đã tăng vọt lên 21 tỉ USD, đưa cặp đôi khoa học gia vào danh sách những người giàu nhất nước Đức. Dù vậy, Tiến sĩ Türeci cho biết hai người vẫn duy trì cuộc sống bình thường cùng cô con gái tuổi teen trong một căn hộ khiêm tốn gần văn phòng. Họ cũng không thay đổi thói quen đạp xe đi làm, tiếp tục công tác giảng dạy tại trường đại học và điều hành tổ chức phi lợi nhuận TRON vốn là bệ phóng của nhiều nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, cả hai cũng không mặn mà với sự chú ý đời tư hoặc những lời kêu gọi ngày càng tăng về việc họ được trao giải Nobel.

MAI QUYÊN (Theo Financial Times)

Chia sẻ bài viết