14/08/2009 - 21:07

Dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ

Động lực mới cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển

Từ trước đến nay, người dân Cần Thơ chủ yếu đi đến TP Hồ Chí Minh bằng phương tiện xe và tàu thủy vốn tốn nhiều thời gian. Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan đã khởi động dự án tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ. Trong tương lai, người dân Tây Đô và các tỉnh miền Tây có thể đi đến TP Hồ Chí Minh bằng tuyến đường sắt cao tốc với thời gian chỉ mất khoảng 30-40 phút...

* 3 PHƯƠNG ÁN XÂY DỰNG TUYẾN

Bộ Giao thông Vận tải đã giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-TP Cần Thơ. Đồng thời, giao Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Công ty Tư vấn Chungsuk (Hàn Quốc) lập báo cáo đầu tư dự án này. Mới đây, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam và Liên danh 2 công ty trên đã làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ và đại diện một số sở, ngành của thành phố về Dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ.

3 phương án tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ (đoạn thuộc địa bàn TP Cần Thơ) của đơn vị tư vấn thiết kế.  

Ông Nguyễn Bùi Nam, Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam), cho biết: “Theo khảo sát và nghiên cứu, đến năm 2030, có thể lưu lượng hành khách tuyến TP Hồ Chí Minh- TP Cần Thơ vào khoảng 362.000 lượt khách/năm. Vì vậy, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-TP Cần Thơ là rất cần thiết. Tuyến đường sắt cũng nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt Việt Nam đến năm 2020. Tuyến đường sắt cao tốc này sẽ được xây dựng theo công nghệ của Hàn Quốc và dự kiến sẽ kêu gọi nhà đầu tư nước này tham gia đầu tư. Đơn vị tư vấn đang trong quá trình khảo sát tuyến cũng như chọn phương án tuyến. Cục Đường sắt Việt Nam mong muốn TP Cần Thơ hỗ trợ đơn vị tư vấn thiết kế trong việc nghiên cứu hướng tuyến...”.

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế đã trình bày 3 phương án tuyến đối với tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ. Theo đó, phương án 1 dự kiến có điểm đầu tại Ga Thủ Thiêm hoặc Ga Hòa Hưng (TP Hồ Chí Minh) và điểm cuối tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ) có chiều dài 157 km, vị trí ga tại Cần Thơ cách trung tâm quận Ninh Kiều khoảng 4 km. Phương án 2, dự kiến điểm đầu tại Ga Thủ Thiêm hoặc Ga Hòa Hưng và điểm cuối tại quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có chiều dài 147 km, vị trí ga cách trung tâm quận Ninh Kiều khoảng 6 km. Phương án 3 cũng dự kiến điểm đầu tại Ga Thủ Thiêm hoặc Ga Hòa Hưng và điểm cuối tại quận Ô Môn (TP Cần Thơ), có chiều dài 149 km, vị trí ga cách trung tâm quận Ninh Kiều là 16 km theo đường chim bay. Tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ chỉ khai thác chở khách, có vận tốc tàu chạy 350km/giờ và thời gian đi từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ khoảng 30-40 phút. Theo dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4 tỉ USD...

* CÂN NHẮC CHỌN HƯỚNG TUYẾN PHÙ HỢP

Ông Nguyễn Kim Lăng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, cho rằng: “Do đây là tuyến đường sắt cao tốc chỉ chở khách nên khi chọn phương án tuyến cần quan tâm đến cự ly tiếp cận của người dân đối với tuyến đường sắt. Do đó, ga đặt ở vị trí quận Cái Răng (tức phương án 1) và quận Bình Thủy (phương án 2) người dân thành phố dễ tiếp cận nhất. Nếu theo phương án 3, người dân ở trung tâm thành phố phải lên Ô Môn mất thời gian khoảng 45 phút, trong khi tàu chạy từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 30-40 phút thì tuyến đường sắt sẽ mất tính hấp dẫn ngay. Ngoài ra, khi chọn phương án tuyến cũng cần chú trọng đến sau này, khi tuyến đường sắt cao tốc phát triển có thể kết nối thêm các tuyến mới, như tuyến đến tỉnh Kiên Giang và tuyến đến tỉnh Cà Mau...”.

Cùng chung quan điểm này, đại diện Công ty Tư vấn Chungsuk cho rằng: “Tuyến đường sắt này có kinh phí đầu tư lớn và được sử dụng trên 100 năm. Do đó, nên ưu tiên tính đến hiệu quả khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác...”.

Đại diện một số sở, ngành TP Cần Thơ góp ý: Đối với phương án 1, tuyến đường sắt đi cắt ngang qua một số khu dân cư thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ và sẽ phá vỡ quy hoạch của thành phố nên tính khả thi không cao. Còn nếu chọn phương án 2 thì sau này triển khai xây dựng tuyến đường sắt gặp khó trong giải phóng mặt bằng hơn so với phương án 3, do ở Bình Thủy đang có mật độ dân cư đông hơn Ô Môn.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Phương án 1 không thuyết phục so với 2 phương án còn lại. Nếu dự án đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ này được triển khai trong vòng 5 hoặc 7 năm tới nên chọn phương án 2 sẽ khai thác tuyến đường sắt hiệu quả hơn, bởi vì khu vực này đang có mật độ dân cư đông đúc. Còn nếu dự án triển khai hơn 10 năm mới hoàn thành, thì nên chọn phương án 3, tuyến đường sắt có điểm cuối tại quận Ô Môn. Về định hướng phát triển lâu dài của thành phố thì khu vực này phát triển rất mạnh, khi nơi đây sẽ là đô thị trung tâm thành phố...

Lãnh đạo TP Cần Thơ và đơn vị tư vấn thiết kế thống nhất, sau cuộc họp này, sẽ có thêm 1 buổi làm việc. Khi đó, đơn vị tư vấn sẽ trình bày kỹ hơn phương án tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ để phía TP Cần Thơ cân nhắc và có đề xuất ý kiến về phương án tuyến bằng văn bản. Đơn vị tư vấn cho biết, sẽ sớm trình phương án tuyến lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ.

Từ trước đến nay, người dân TP Cần Thơ chọn phương tiện xe khách để đi đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại, thời gian nhanh nhất cũng phải hơn 4 giờ. Khi cầu Cần Thơ xây dựng hoàn thành, thời gian người dân đi lại giữa 2 thành phố sẽ rút ngắn lại, nhưng sẽ không bao nhiêu. Trong khi đó, nếu có tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh- TP Cần Thơ thì thời gian đi lại giữa 2 thành phố sẽ giảm đáng kể.

Hiện nay, TP Cần Thơ có sân bay nhưng hiện chỉ mới khai thác tuyến duy nhất Cần Thơ-Hà Nội và ngược lại. Dự kiến, trong thời gian tới Sân bay Cần Thơ sẽ có thêm nhiều tuyến bay nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, theo ngành hàng không, cự ly từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh quá ngắn nên không thể mở tuyến bay này. Do đó, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - TP Cần Thơ là rất phù hợp, nó tạo điều kiện để TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát triển trong tương lai, nhất là khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết