07/02/2020 - 09:56

Đồng lòng làm việc thiện 

Ở ấp 5, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, nhắc tới vợ chồng chú Bảy Tây, bà con ai cũng biết. Cứ đến xã, hỏi bếp ăn tình thương là sẽ gặp cô chú.

Vợ chồng cô Bảy cùng nhau làm việc tại bếp ăn tình thương.

Bếp ăn tình thương của xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ hoạt động hơn 9 năm qua. Đây là nơi nấu cơm chay phục vụ miễn phí cho học sinh Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng. Người gầy dựng và duy trì bếp ăn là vợ chồng chú Bảy Tây.

Chú Bảy Tây tên thật Lê Văn Đây, vợ là cô Lê Thị Hạnh (còn gọi cô Bảy). Cô Bảy cho biết: Ngày trước, cô chuyên đi nấu cơm từ thiện ở các bệnh viện. Nhiều lần thấy các em học sinh đi học nhà xa mười mấy cây số, buổi trưa chạy về nhà ăn cơm rồi lại lặn lội đạp xe đi học buổi chiều, không kịp nghỉ trưa, có khi còn đi học trễ. Cô nghĩ, phải chi có chỗ nấu cơm từ thiện cho các em ăn, khỏi đi đi về về. Chia sẻ ý nghĩ đó với chồng, bạn bè, người thân, cô Bảy nhận được sự ủng hộ.

Được sự cho phép và hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng cô Bảy thành lập bếp ăn tình thương đầu tiên ở trạm xá cũ. Vợ chồng cô bỏ công sức và một số chi phí ban đầu, còn lại bà con xóm giềng, những nhà hảo tâm... chung tay đóng góp tiền, thực phẩm, gạo, UBND xã hỗ trợ điện, nước và đậu nành. Nhờ đó, bếp ăn tình thương được hình thành và hoạt động bền bỉ những năm qua. Sau 4 năm, chính quyền tạo điều kiện cho bếp ăn di dời đến địa điểm mới, đối diện trường học, vừa rộng rãi, vừa thuận tiện cho học sinh.

Bếp ăn phục vụ từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa các ngày, chỉ nghỉ Chủ nhật. Mỗi bữa ăn có từ 3-4 món và thực đơn được thay đổi mỗi ngày. Từ ngày có bếp ăn, rất nhiều học sinh nhà xa đỡ mất công đi về. Sau khi tan học, các em ghé ăn trưa rồi vào trường nghỉ ngơi, đợi đến giờ học buổi chiều. Trung bình mỗi ngày bếp ăn phục vụ khoảng 140 suất. Ngoài học sinh, còn có những người bán vé số, hàng rong, hái thuốc nam từ thiện… cũng ghé ăn cơm. Đặc biệt, bếp ăn còn phục vụ cho bà con cùng góp sức làm các công trình cầu, đường ở địa phương.

Cô Bảy là người phụ trách và nấu chính, còn có 6 chị phụ tiếp và 8 người nam đốn củi, vận chuyển lương thực, thực phẩm và những công việc khác của bếp. Cô Bảy chia sẻ: “Việc làm này ý nghĩa nên được các chị em, bà con xóm giềng hưởng ứng, giúp đỡ nhiều lắm. Mọi người tình nguyện đến phụ tiếp công chuyện, không nề hà vất vả, nặng nhọc, vì ai cũng muốn làm việc thiện giúp đời”.

Chú Bảy ngoài phụ tiếp vợ tại bếp ăn, còn tích cực tham gia các hoạt động giặm vá sửa đường, bắc cầu ở địa phương. Đặc biệt, chú là thành viên của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Thới Hưng, tích cực cùng Ban Trị sự vận động nhân dân mua xe cứu thương từ thiện. Xe đã hoạt động được 5 năm, do chú phụ trách điều hành. Trung bình mỗi tháng, xe chở từ 30-40 ca. Chú Bảy cho biết: “Xe chở hoàn toàn miễn phí và không nhận tiền bồi dưỡng của người nhà bệnh nhân. Để có kinh phí duy trì hoạt động xe, cứ mỗi quý một lần, Ban điều hành xe vận động lòng hảo tâm của mỗi người. Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình mà đến nay, xe cứu thương hoạt động đều đặn, chuyển bệnh bất cứ lúc nào có nhu cầu”.  

***

Có dịp đến bếp ăn tình thương ở xã Thới Hưng nhìn vợ chồng cô Bảy tất bật nấu nướng, phục vụ nhưng vẫn luôn vui vẻ, thân thiện, mới thấy hết tấm lòng của những người luôn nghĩ và làm vì cộng đồng. Chia tay cô chú, tôi còn nhớ mãi lời tâm tình của họ: Tuy cực nhưng vui lắm. Làm việc có ích cho đời, giúp được mọi người là tâm mình luôn an yên, sống vui, sống khỏe.

Bài, ảnh: CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết