08/07/2020 - 06:02

Đồng hành cùng nông dân khởi nghiệp 

Phong trào nông dân khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên nông dân TP Cần Thơ. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, nhiều nông dân mạnh dạn thực hiện các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành cùng nông dân, các cấp Hội Nông dân (HND) và ngành Nông nghiệp thành phố đã có nhiều giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.

Đa dạng mô hình

Lãnh đạo HND thành phố thăm mô hình trồng sầu riêng tại huyện Phong Điền.

Từng trải qua nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa, sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu, ông Trần Công Danh, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) 2 lúa 1 màu, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng 3 vụ lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2000, tôi thí điểm đưa cây dưa hấu xuống ruộng. Bắt đầu thực hiện mô hình mới, tôi gặp nhiều khó khăn về giống, khoa học kỹ thuật,… Bên cạnh việc tự học hỏi, tôi được HND và các ngành liên quan tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hội thảo. Từ đó, tôi rút được nhiều kinh nghiệm, áp dụng thành công vào mô hình của gia đình”. Theo ông Danh, 1 công dưa thu hoạch hơn 3 tấn trái, thương lái thu mua từ 3.000-7.000 đồng/ký, hiệu quả cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Anh Phan Minh Cường, ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi gà đen Indonesia. Anh Cường kể: “Trong 7 năm xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, tôi biết giống gà Indonesia ăn rất ngon. Từ đó, tôi nung nấu ý tưởng khởi nghiệp nuôi giống gà đen để kinh doanh. Tôi đem 200 trứng gà đen về nước ấp nở. Trong quá trình nuôi, tôi gặp nhiều trở ngại trong khâu chăm sóc. Được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, tôi biết cách xử lý chuồng trại, phòng chống dịch,…”. Đến nay, trại gà đen của anh Cường đang nuôi khoảng 2.000 con. Anh còn kinh doanh thêm quán ăn, với nguyên liệu chính là gà đen Indonesia. Mô hình đang được anh Cường từng bước mở rộng, phát triển.

Nông dân Dương Đình Vũ, ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, chọn con đường khởi nghiệp với thương hiệu gạo sạch My Hậu. Từ năm 2016, anh Vũ áp dụng sản xuất lúa theo hướng an toàn. Nhờ HND thành phố hỗ trợ, anh thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với gạo sạch My Hậu, giới thiệu sản phẩm thông qua việc trưng bày tại các hội chợ triển lãm; ký gởi tại các điểm bán lẻ gạo và thông qua các mối quan hệ xã hội để tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, THT sản xuất gạo sạch My Hậu có 8 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích 30ha. Vụ đông xuân vừa qua, THT cung ứng ra thị trường khoảng 150 tấn gạo giống ST24. Đặc biệt, anh Vũ còn sản xuất thêm 1ha giống lúa tím thảo dược với ưu điểm tốt cho sức khỏe, nhất là đối với bệnh nhân đái tháo đường.

Tiếp sức


Nông dân Dương Đình Vũ giới thiệu giống lúa tím thảo dược.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn có rất nhiều mô hình khởi nghiệp của nông dân, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn, ông Tiêu Ngọc Lợi, ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, với mô hình lúa - kinh doanh cửa hàng vật tư nông nghiệp; hộ Nguyễn Thị Tím, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, với mô hình kinh doanh trà mãng cầu thương hiệu Cường Tím; ông Lâm Văn Tính, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, với mô hình trồng thanh nhãn; ông Nguyễn Văn Tấn, ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, với mô hình trồng tre điền trúc lấy măng…

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch HND TP Cần Thơ, chia sẻ: “Câu chuyện khởi nghiệp đồng hành với nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp khác nhau. Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó hơn khi gắn với chuỗi sản xuất sản phẩm”. Tại buổi Hội thảo nông dân Cần Thơ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được HND thành phố tổ chức vào cuối tháng 6-2020, nhiều nông dân đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã chia sẻ những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Đó là sự gian nan trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giá cả nông sản bấp bênh, nông dân thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất… Chia sẻ khó khăn với nông dân, tại Hội thảo, lãnh đạo HND thành phố đã thông tin về các nguồn vốn vay mà nông dân có thể tìm hiểu, lựa chọn xây dựng các mô hình khởi nghiệp phù hợp. Đồng thời, khẳng định các cấp Hội sẽ luôn đồng hành, tăng cường kết nối, tạo điều kiện cho nông dân trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng, những năm qua, Nhà nước đã ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp. Muốn khởi nghiệp thành công, nông dân cần thay đổi tư duy, tập quán; cần xác định được yếu tố tiềm năng lợi thế, như: trình độ, mối quan hệ, vốn, điều kiện tiếp cận công nghệ, đất đai, cơ sở hạ tầng… Đó là điều kiện hết sức cần thiết để nông dân lựa chọn mô hình khởi nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, nông dân cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm; tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng của từng cộng đồng;…

Trong việc hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi giá trị, ngành Nông nghiệp thành phố đã tham mưu UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Trần Thái Nghiêm, hiện nay, điều kiện công nghệ thông tin phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng… là những điều kiện thuận lợi, tạo đòn bẩy giúp nông dân khởi nghiệp thành công. 

Bài ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết