16/03/2011 - 09:23

Động đất ở Nhật ảnh hưởng kinh tế toàn cầu

Nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật sau động đất. Ảnh: AP

Thảm họa động đất gây sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản không chỉ tác động đến kinh tế nước này, mà còn ảnh hưởng tới thị trường thế giới, khi nguồn cung các mặt hàng như xe ô tô, đồ điện tử và thiết bị máy móc có thể bị gián đoạn dài hạn. Trong khi đó, tâm lý lo ngại về các nhà máy điện hạt nhân lan đến châu Âu sau vài vụ nổ khí hydro tại nhà máy Fukushima của Nhật.

Thị trường thế giới cũng chấn động

Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng xe hơi, điện tử và thiết bị công nghiệp, cũng như thép, dệt may và thực phẩm chế biến. Ngược lại, đất nước mặt trời mọc là thị trường lớn cho các mặt hàng nông sản và xa xỉ phẩm. Từ khi xảy ra động đất hôm 11-3, nhiều tập đoàn sản xuất hàng đầu Nhật Bản, trong đó có Toyota và Toshiba, buộc phải giảm hoặc đóng cửa sản xuất, để giải quyết các sự cố gián đoạn dây chuyền cung cấp, thiếu năng lượng và vấn đề giao thông.

Tuy nhiều nhà máy tạm ngừng dự kiến sớm trở lại hoạt động, nhưng nhiều vấn đề đặt ra về ảnh hưởng lâu dài lên kinh tế Nhật Bản khi nước này bắt đầu tái thiết các khu vực bị tàn phá. Theo một vài ước tính, quá trình tái thiết có thể tiêu tốn hơn 100 tỉ USD. Cùng với gánh nặng giảm phát, vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm và nợ công khổng lồ hiện nay, kinh tế Nhật đang đối mặt với “nhiều đám mây u ám” . Theo Thời báo Los Angeles của Mỹ, gần như chắc chắn Nhật sẽ buộc phải vay thêm tiền, mà động thái này có thể làm tăng giá đồng yen, khiến nước này khó khăn hơn trong xuất khẩu.

Việc ngưng trệ sản xuất khiến cổ phiếu các công ty Nhật sụt giảm mạnh. Tại Tokyo hôm 14-3, cổ phiếu của Toshiba giảm 17%, trong khi hãng Fujitsu giảm hơn 6%.

Mặt khác, khu vực chịu thiệt hại nặng nề ở Đông Bắc Nhật Bản là một trong những vùng dẫn đầu về sản xuất lúa của xứ sở hoa anh đào và Nhật là một trong những nước nhập khẩu bắp và lúa mì lớn nhất thế giới. Dự báo nhu cầu nhập khẩu ngũ cốc sẽ tăng lên ở Nhật, đẩy giá bắp, lúa mì và đậu nành lên cao trong thời gian tới.

Tâm lý lo lắng về tác động tài chính từ thảm họa động đất và tình trạng khẩn cấp hạt nhân ở Nhật làm nhiều thị trường chứng khoán châu Âu sụt giảm, trong khi châu Á tăng nhẹ. Trong ngày 14-3, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 0,4%, trong khi các thị trường chứng khoản ở Anh giảm 0,9%, Pháp giảm 1,3% và Đức giảm 1,7%. Còn các thị trường chứng khoán Hồng Công tăng 0,4%, Hàn Quốc tăng 0,8% và Ấn Độ tăng 1,5%.

Nhật Bản cầu cứu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 15-3 cho biết toàn bộ 4 lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2 đã tạm ngừng hoạt động một cách an toàn.

Hôm qua, theo Đài NHK của Nhật Bản, một trận động đất với cường độ 6 độ Richter đã xảy ra ở khu vực miền Đông nước này và làm rung chuyển Thủ đô Tokyo lúc 5 giờ sáng theo giờ địa phương. Hiện chưa có thông báo về thương vong, thiệt hại hay cảnh báo sóng thần do trận động đất mới này tạo nên. NHK cũng cho biết trận động đất và sóng thần hôm thứ sáu tuần rồi tính đến chiều ngày 15-3 đã làm ít nhất 10.000 người chết. Trong khi đó, trưa 15-3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định “bơm” thêm 3.000 tỉ yen (khoảng 37 tỉ USD) vào thị trường tiền tệ, sau khi đã quyết định “bơm” 5.000 tỉ yen vào buổi sáng.

TTXVN

Trong khi đó, sáng sớm qua, người ta đã nghe thấy tiếng nổ tại một lò phản ứng số 2 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Chính quyền Nhật nhanh chóng thiết lập vùng cấm bay trong bán kính 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân này. Tuy vậy, tại Tokyo, cách Fukushima khoảng 270 km về phía Bắc, lượng phóng xạ đo được đã cao hơn mức bình thường, song vẫn chưa tới mức đe dọa sức khỏe của 39 triệu người dân thủ đô và khu vực lân cận. Tuy nhiên, tại tỉnh Kanagawa gần Tokyo, mức phóng xạ cao gấp 9 lần so với mức thông thường, trong khi tại tỉnh Tochigi, lượng phóng xạ cao gấp 33 lần. Các vụ cháy và nổ tại các lò phản ứng đã làm 15 nhân viên thiệt mạng và 190 người bị phơi nhiễm phóng xạ.

Trước đó, Nhật Bản đã chính thức đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cử chuyên gia tới hỗ trợ khắc phục sự cố hạt nhân tại nước này và Tổng Giám đốc Yukiya Amano thông báo IAEA đang thảo luận chi tiết kế hoạch hỗ trợ Tokyo. Và để trấn an dư luận Nhật, ông Amano cho rằng cuộc khủng hoảng tại các nhà máy Fukushima “rất khó” có thể biến thành một vụ kiểu Chernobyl mới.

Châu Âu lo ngại, Mỹ trấn an về các nhà máy điện hạt nhân

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản ngày 15-3 thông báo đã tổ chức đoàn công tác đi thành phố Sendai thuộc tỉnh Miyagi và thành phố Fukushima thuộc tỉnh Fukushima, để hỗ trợ đưa công dân Việt Nam ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng nặng của động đất và sóng thần hôm 11-3 vừa qua.

Theo khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đường bộ trong khu vực này đang hư hỏng nặng, xe của đoàn công tác khó có thể tiếp cận mọi địa điểm. Mặt khác, công dân Việt Nam hiện ở rải rác, do đó xe của đoàn công tác dự kiến sẽ đến 2 địa điểm sau: Bệnh viện Đại học Tohoku (thành phố Sendai); Sân bay Fukushima (thành phố Fukushima).

TTXVN

Sau các vụ nổ khí hydro tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản, Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định xem lại quyết định gây tranh cãi của bà hồi năm ngoái về việc kéo dài thời gian hoạt động của 17 nhà máy điện hạt nhân, bình quân thêm 12 năm. Kết quả, ngày 14-3, Đức thông báo tạm thời đóng cửa 2 nhà máy điện hạt nhân cũ nhất nước này và hoãn kế hoạch kéo dài “tuổi thọ” của tất cả các nhà máy còn lại.

Thụy Sĩ cũng xem lại kế hoạch xây dựng và thay thế các nhà máy điện hạt nhân, trong khi Bộ trưởng Môi trường Áo kêu gọi tiến hành các cuộc kiểm tra nhằm đảm bảo các cơ sở hạt nhân ở châu Âu “đạt chuẩn phòng ngừa động đất”. Hôm qua 15-3, các cơ quan an toàn hạt nhân Liên minh châu Âu (EU) và các công ty vận hành đã có cuộc họp khẩn cấp để đánh giá về công tác chuẩn bị trong trường hợp khẩn cấp.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama khẳng định lại sự ủng hộ của ông về điện hạt nhân. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban điều hành hạt nhân Gregory Jaczko cho biết 104 lò phản ứng ở Mỹ được xây dựng đủ sức chống các trận động đất và sóng thần. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Jaczko không nêu chi tiết khả năng chịu được động đất cấp độ bao nhiêu.

N. KIỆT
(Theo LA Times, Bloomberg, AP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết