LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 11/6/2012), Báo Cần Thơ xin trân trọng giới thiệu về cuộc đời và những cống hiến quan trọng của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn là học sinh. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ trường học. Năm 1931, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 6 năm 1931, bị thực dân Pháp bắt, kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc. Trong lao tù, đồng chí tiếp tục tổ chức tù nhân đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến. Ngày 20 tháng 9 năm 1932, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình tại tỉnh Mỹ Tho, kết án tử hình đồng chí và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn.
Trước cuộc đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, của nhân dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản, thực dân Pháp buộc phải giảm án tử hình cho một số chiến sĩ cộng sản ở Việt Nam, đồng chí Phạm Hùng được giảm xuống án khổ sai chung thân và đày đi Côn Đảo từ ngày 17-1-1934.
Năm 1934, đồng chí Phạm Hùng được bổ sung vào chi ủy nhà tù Côn Đảo, sau đó được cử làm Bí thư Đảo ủy. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, đồng chí đã lãnh đạo anh em tù nhân chớp thời cơ giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945).
Tháng 9-1945, đồng chí Phạm Hùng từ Côn Đảo trở về hoạt động cách mạng ở Sóc Trăng. Tháng 10-1945, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam bộ, phụ trách Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc. Năm 1947, đồng chí được cử làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ. Năm 1948, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Nam bộ ra Việt Bắc.
Tháng 6-1950, đồng chí Phạm Hùng trở lại miền Nam và được Xứ ủy cử phụ trách Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 2-1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 3-1952, đồng chí được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Phân liên khu ủy miền Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông Nam bộ.
Năm 1955, đồng chí được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban kiểm soát quốc tế tại Sài Gòn.
Tháng 6-1956, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Tại Hội nghị lần thứ 10 (khóa II) của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Năm 1957, đồng chí được cử làm Trưởng ban Thống nhất của Trung ương.
Tháng 4-1958, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I, đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách về kinh tế. Tháng 7-1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III (6-1964), đồng chí tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế, tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương.
Từ năm 1967 đến năm 1975, đồng chí được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí được giao trọng trách thay mặt Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành các công việc của Đảng và Nhà nước ở miền Nam.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, khóa VI (6-1976) đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1980, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách Nội chính, kiêm Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an).
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII (7-1981), đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tại Đại hội lần thứ Vl của Đảng (12-1986), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Ngày 10-3-1988, đồng chí đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở các tỉnh Nam Bộ, để lại niềm tiếc thương, xúc động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và hào hùng, đồng chí Phạm Hùng đã nêu một tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng và Nhà nước ta đã tặng đồng chí Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 tuổi Đảng và nhiều Huân chương cao quý khác.
* * *
Đồng chí Phạm Hùng sinh ở một vùng đất có truyền thống yêu nước, trong một gia đình nông dân. Năm 16 tuổi, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Thanh niên Mỹ Tho. Khi 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học. Năm 19 tuổi, đồng chí được Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Đang nhiệt huyết lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngày 2-6-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình để tra tấn đồng chí. Sau hơn bảy tháng giam cầm, thực dân Pháp đưa đồng chí Phạm Hùng ra tòa đề hình ở Sài Gòn xét xử. Mặc dù không có chứng cớ gì, nhưng tòa án thực dân vẫn khép đồng chí 3 năm tù, 3 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ. Trong lao tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị địch biệt giam vào xà lim. Ngày 20-9-1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình xét xử “những người chống lại an ninh công cộng”, đồng chí Phạm Hùng bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn. Trong xà lim án chém, đồng chí đã cảm hóa một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo tháng 1-1934.
Gần 15 năm tù đày, trong đó 12 năm đồng chí bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian tàn bạo của chế độ thực dân. Tại Côn Đảo, đồng chí đã thể hiện cao đẹp khí phách cách mạng, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chịu đòn thay cho anh em; cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù. Đồng chí trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, các bạn tù thường phạm, các bạn tù thuộc các đảng phái khác, góp phần quan trọng vào việc biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản, đào tạo lớp cán bộ cách mạng trưởng thành trong nhà tù đế quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, với tư cách là Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (1945).
Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước. Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có chương trình kế hoạch, có nguyên tắc nhưng không máy móc, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng.
Với gần 15 năm bị giam cầm trong lao tù đế quốc (từ năm 1931 đến năm 1945), sau khi được Đảng đón từ nhà tù Côn Đảo về đất liền, đồng chí Phạm Hùng tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ. Đồng chí được bầu vào Xứ ủy lâm thời Nam bộ, đến đầu năm 1946, khi đồng chí Lê Duẩn được điều ra Hà Nội, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc (Giám đốc Nha Công an Nam bộ).
Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam bộ, lập được nhiều chiến thắng vẻ vang, được Bác Hồ tặng danh hiệu Nam Bộ Thành đồng. Với tài năng và uy tín, đồng chí đã xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất các lực lượng kháng chiến ở Nam bộ; kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ.
Với tư cách là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí Phạm Hùng trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam bộ. Đây là một nhiệm vụ rất khẩn trương và quan trọng. Tính chất phức tạp trong nội bộ các lực lượng kháng chiến ở Nam bộ xuất hiện từ sau Cách mạng tháng Tám đòi hỏi cần phải có một lực lượng công an trung thành với Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ nhân dân, đồng thời loại trừ các phần tử cả mật thám lẫn tình báo của địch; tổ chức tiêu diệt những phần tử ác ôn gây tổn thất cho Đảng và có nhiều nợ máu với nhân dân. Những chiến công của lực lượng Công an Nam bộ làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân yêu mến và tuyệt đối tin tưởng, che giấu, giúp đỡ; được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (l-1950), dự thảo Đề án Công an nhân dân Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng trình bày đã được Hội nghị nhất trí thông qua. Những nội dung mà đồng chí Phạm Hùng đề cập trong Đề án đã trở thành cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam hiện nay.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), đồng chí Phạm Hùng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam; là Phó Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông (3-1952). Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam bộ; đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Tổ chức tiến hành chiến tranh nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sĩ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) xây dựng Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam; tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tấn công và giành thắng lợi.
Năm 1967, đồng chí Phạm Hùng được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm quân và dân miền Nam đang bí mật gấp rút chuẩn bị và tiến hành đòn tiến công chiến lược Tết Mậu Thân (1968). Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên khắp miền Nam, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pa-ri. Là một trong những người lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất. Vượt qua gian khổ và ác liệt của đạn bom, góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện của Bác Hồ: Đưa non sông Việt Nam thu về một mối.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí được Đảng và nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí Phạm Hùng đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên mọi cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng chú trọng xây dựng đạo đức người Công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng Công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trưởng thành lớn mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.
------------------
Theo “Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (11/6/1912 11/6/2012) do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Hành chánh quốc gia HCM biên soạn”.