25/02/2023 - 23:34

Đổi mới hệ thống y tế - nhiều giải pháp cần thiết 

HUỆ HOA (thực hiện)

Năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn và thách thức đối với công tác y tế. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng trên thế giới vẫn còn diễn biến khó dự đoán. Nội tại ngành Y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng khó khăn, thách thức mới đã phát sinh. Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về những giải pháp ngành Y tế thành phố vượt khó.

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ (thứ hai, từ trái sang) tặng quà cho bệnh nhân tại BV Tâm thần Cần Thơ. Ảnh: CTV

* Năm 2022, ngành Y tế thành phố có 233 người nghỉ việc; đầu năm 2023, một số đơn vị y tế tiếp tục giải quyết đơn xin nghỉ của nhân viên. Trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp, chưa được đầu tư cải thiện… Thưa ông, Sở Y tế có giải pháp gì để hỗ trợ các đơn vị khắc phục tình trạng này?

- Chỉ các đơn vị tự chủ chi thường xuyên mới quyết định số lượng nhân viên. Muốn có thu nhập giữ chân được nhân viên y tế, đủ chi phí cho bệnh viện (BV) hoạt động thì giá dịch vụ y tế phải thay đổi. Ðiều này cần sự thay đổi về chủ trương, chính sách từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Y tế đang dự thảo thông tư khám chữa bệnh theo yêu cầu. Về phía địa phương, chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị trực thuộc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Thông tư số 19/2022/TT-BYT của Bộ Y tế. Sau khi xây dựng định mức, tính giá dịch vụ y tế trên cơ sở tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành giá như: chi phí quản lý, vận hành, công nghệ thông tin, quản lý chất lượng, thuê bảo vệ, vệ sinh công nghiệp, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị... thì BV mới đảm bảo tài chính hoạt động, cải thiện đời sống cho nhân viên y tế. Từ đó mới có thể giữ chân được nhân viên y tế ở BV công để họ yên tâm làm việc.

Cuối năm 2022, các đơn vị được thanh toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, bảo hiểm y tế quyết toán chi phí cho BV... nên cũng giải quyết một phần khó khăn của các BV trong chi trả lương, thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, một vài nơi vẫn còn mất cân đối thu chi. Sở Y tế đang tiếp tục rà soát, theo dõi tình hình nhân viên y tế nghỉ việc để có hướng giải quyết tốt hơn.

Còn việc đầu tư trang thiết bị, Sở Y tế phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND thành phố trình HÐND thành phố ban hành Nghị quyết số 39/NQ-HÐND ngày 14-11-2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Ðầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 9 trung tâm y tế tuyến huyện (tổng mức đầu tư dự kiến là 135,6 tỉ đồng) và Nghị quyết số 40/NQ-HÐND ngày 14-11-2022 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Ðầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ (tổng mức đầu tư dự kiến là 110 tỉ đồng). Với 2 dự án này, CDC và hệ thống y tế cơ sở sẽ được đầu tư phát triển, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NÐ-CP ngày 15-2-2023, tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ðể có thêm nguồn lực cho y tế cơ sở, Sở Y tế đang xây dựng Nghị quyết phát triển y tế cơ sở trình HÐND thành phố để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ thông tin và trang thiết bị cho y tế cơ sở.

* Thưa ông, các cơ sở y tế vừa đối mặt với tình trạng nhân viên nghỉ việc, vừa phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Ðây thực sự là bài toán khó giải, ông nhận định gì về vấn đề này?

- Có thể nói, sau dịch COVID-19, ngành Y tế đối mặt với nhiều khó khăn chưa có tiền lệ. Về nhân lực, theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Cụ thể với đơn vị quản lý nhà nước là 5%, đơn vị sự nghiệp giảm 10% đến năm 2026. Từ đó, các đơn vị y tế phải giải bài toán: khối lượng công việc ngày càng tăng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong khi nhân lực phải tinh giảm, tức là ngày càng giảm.

Cái khó thứ hai là khó khăn về tài chính ở các đơn vị tự chủ. Với đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên nhóm 2, thì được tự quyết định số lượng nhân viên thông qua đề án vị trí việc làm. Từ đó gỡ được khó khăn về số lượng nhân sự, nhưng tài chính lại khó khăn do giá dịch vụ thấp, chưa tính đúng tính đủ, cho nên nguồn thu không đảm bảo, tình trạng thu nhập tăng thêm giảm, chậm trả lương, không đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế, ảnh hưởng tinh thần làm việc. Việc mua sắm đầu thầu mất nhiều thời gian và không kịp thời, ảnh hưởng đến điều kiện làm việc chuyên môn của nhân viên y tế.

Còn các đơn vị sự nghiệp tự chủ nhóm 3, tự chủ một phần chi thường xuyên buộc phải giảm biên chế theo lộ trình. Càng giảm, hoạt động càng khó khăn do ít người, mà tự chủ một phần. Kinh phí cấp cho các đơn vị cũng giảm theo thời gian, nghĩa là phải cung cấp dịch vụ ngày càng nhiều, trong khi người ngày càng giảm, ngân sách cấp giảm rất khó đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của các đơn vị. Các đơn vị muốn tăng thu nhập thì phải đẩy mạnh các dịch vụ y tế, tuy nhiên lại thiếu nhân sự và cơ sở vật chất thì cần phải có nguồn kinh phí đầu tư.

Cơ sở y tế muốn tự quyết về nhân sự, về biên chế thì phải tự chủ nhưng tự chủ thì dịch vụ chưa tính đúng tính đủ, không đủ chi phí, nên mất cân đối thu chi mà BV Nhi đồng TP Cần Thơ là điển hình.

Như trên tôi đã nói, chỉ khi giá dịch vụ y tế tính đúng tính đủ thì các cơ sở y tế mới có nguồn thu để chăm lo đời sống vật chất, giữ chân nhân viên y tế. Sở Y tế đang tổng hợp trình HÐND giá dịch vụ y tế theo yêu cầu.

* Một vấn đề khác, năm 2022, ngành Y tế Cần Thơ xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và hóa chất. Vậy trong năm 2023, ngành sẽ tập trung giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, đấu thầu thuốc năm 2022 còn hiệu lực nên tiếp tục mua sử dụng; còn BV đang thiếu thuốc thì tiến hành đấu thầu các gói mua bổ sung. Khẩu hiệu của ngành Y tế trong năm 2023 là: “Toàn ngành đoàn kết, đổi mới hệ thống y tế, quyết tâm không để thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế”. Ðể thực hiện mục tiêu này, Sở Y tế đã trình UBND TP Cần Thơ kế hoạch mua sắm đấu thầu thuốc tập trung tại thành phố. Theo đó, giao BV Phụ sản là đơn vị đấu thầu tập trung thuốc cấp địa phương. Dự kiến tháng 6-2023, gói thầu này cung cấp thuốc cho 2 năm (tháng 6-2023 đến tháng 6-2025).

Năm 2023, ngành Y tế Cần Thơ quyết tâm không để thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân. Ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: T.SƯƠNG

Còn đối với hóa chất, vật tư, trang triết bị y tế, Sở đã triển khai sớm kế hoạch mua sắm, đấu thầu ngay từ đầu năm 2023 cho các đơn vị trực thuộc, để trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, sớm tiến hành mua sắm, đảm bảo phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, Sở Y tế đang xin ý kiến Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, UBND thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện cho các đơn vị y tế sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị tái đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo con người...

* Trong các nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, có nguyên nhân do cán bộ sợ sai, lo ngại đấu thầu, không dám làm. Là lãnh đạo ngành, ông có nhận định gì về thực tế này?

- Tâm lý sợ sai trong đấu thầu vẫn còn tồn tại. Sở Y tế đã trình đề xuất trung tâm mua sắm đấu thầu tập trung nhưng không có cơ sở để thành lập trung tâm. Cán bộ y tế chỉ mong được tập trung làm chuyên môn, làm những gì mình được đào tạo, nắm rõ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ban giám đốc, trưởng, phó khoa, phòng bên cạnh chuyên môn còn phải mất rất nhiều thời gian công sức cho việc mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Sở chưa thể cải tiến được điều này.

Có thể thấy, qua 2 năm chống dịch COVID-19, ngành Y tế Cần Thơ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Một mình ngành Y tế không thể vượt qua những khó khăn này. Ngành rất mong các sở, ngành, người dân hỗ trợ vượt qua khó khăn, để người thầy thuốc làm tốt công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh cho người dân.

Năm 2023, toàn ngành Y tế tiếp tục tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khó khăn; chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh; quản lý bệnh không lây nhiễm; tập trung giải ngân các dự án trọng điểm; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân toàn thành phố; xây dựng 2 đề án kỹ thuật cao; tập trung thực hiện các dự án trọng điểm... Tiếp tục phấn đấu, khẳng định y tế Cần Thơ là y tế chuyên sâu, trung tâm y tế vùng ÐBSCL.

* Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ bài viết