 |
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (trái) trao đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm 28-5. Ảnh: AP |
Tại hội nghị thượng đỉnh vừa được tổ chức ở Brussels (Bỉ) hôm 28-5 vừa qua, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán sơ bộ về Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương. Tuyên bố chung sau hội nghị cho thấy hai bên khẳng định rõ quyết tâm tìm kiếm một thỏa thuận hợp tác mang tính ràng buộc trong mọi lĩnh vực, coi đây là một phần trong nỗ lực củng cố quan hệ EU-Nhật Bản. Tuyên bố nhấn mạnh khởi đầu cho thỏa thuận này là tiến trình xác định phạm vi và mức độ các cuộc thương lượng về FTA sau khi EU đã phần nào nhượng bộ đối với vấn đề này nhằm giúp Nhật Bản- nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới - nhanh chóng khôi phục sau thảm họa kép động đất - sóng thần và sự cố hạt nhân.
Có thể nói, sau nhiều tháng đàm phán khá căng thẳng, việc EU và Nhật Bản đồng thuận khởi động lại tiến hành thương lượng FTA được coi là một bước tiến đáng kể trong mối quan hệ song phương, dù trên thực tế hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết một số vấn đề gây tranh cãi. Hồi tháng 3 năm nay, các nhà lãnh đạo EU đã từng kêu gọi tiến hành thương lượng về FTA nhằm hỗ trợ Nhật Bản phục hồi kinh tế sau thảm họa động đất-sóng thần, nhưng với điều kiện Tokyo dỡ bỏ hạn chế thương mại.
EU là bạn hàng lớn thứ 3 của Nhật Bản, trong khi Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 6 của EU. Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu, lợi thế thương mại đang nghiêng về phía Nhật Bản phần nào cho thấy những khó khăn mà các công ty nước ngoài đang phải đối mặt khi tiếp cận thị trường Nhật Bản. Quan điểm đó cũng được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đồng tình khi họ nói rằng Tokyo không tạo cơ hội thực sự cho các công ty muốn tiếp cận thị trường. Vì thế hồi đầu tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã yêu cầu các bộ trưởng trong nội các của ông xem xét cải cách theo yêu cầu của EU như dỡ bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan và tự do hóa hoạt động mua sắm tài sản công. Các bộ trưởng thương mại EU đã hoan nghênh động thái này của Tokyo, coi đây là thiện chí hướng tới thương lượng FTA.
Các nhà phân tích nhận định EU và Nhật Bản sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng ấy trong bối cảnh hai bên đều cần có nhau. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nếu đạt được FTA với EU, đây sẽ là FTA đầu tiên của nước này với một khu vực có các nền kinh tế thị trường quy mô lớn và tiên tiến. Trong khi đó, EU chủ trương tăng cường quan hệ thương mại với nhiều đối tác ở khu vực châu Á nhằm bù đắp gánh nặng thâm hụt thương mại không ngừng tăng lên với Trung Quốc. EU và Hàn Quốc đã ký kết FTA và sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 7 tới. EU cũng vừa có hội nghị thượng đỉnh thương mại đầu tiên với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà đích nhắm vẫn là FTA.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)