06/08/2018 - 21:06

Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội từ CPTPP 

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã ngồi lại bàn thảo và khôi phục hiệp định trên trong diện mạo mới - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). So với TPP, phần lợi ích mà Việt Nam nhận được từ CPTPP có phần thu hẹp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, CPTPP là Hiệp định “mở”. Do đó, doanh nghiệp nước ta nên tìm hiểu rõ và nắm bắt lợi thế từ các điều khoản CPTPP trong khi chờ các cơ hội mới trong tương lai.  

Dệt may, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm da và nhựa… là những ngành có nhiều lợi thế xuất khẩu khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân.

CPTPP- phiên bản mới của TPP

TPP được ký kết tháng 2-2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 1-2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP với lý do hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ. Đồng thời, nhấn mạnh Mỹ sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương. Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại (chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu) vẫn nỗ lực khôi phục hiệp định trên. Đến ngày 11-11-2017, tại TP Đà Nẵng, 11 nước thống nhất đổi tên TPP thành CPTPP.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cũng như TPP, CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nghĩa là CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước... Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế cao cấp, khẳng định: “Việc Mỹ rời khỏi TPP đã làm thế trận CPTPP không còn “đẹp”. Về lợi ích mà Việt Nam nhận được cũng sẽ giảm khi thiếu sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, CPTPP vẫn là hiệp định có quy mô thương mại rất lớn và mở ra nhiều cơ hội trong hoạt động thương mại của Việt Nam”. Cụ thể hơn về vấn đề này, bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thông tin: “TPP chiếm 35% tổng GDP toàn cầu, trong khi CPTPP chỉ 13,4%. Về tổng thương mại toàn cầu, TPP chiếm 26,5% và CPTPP chiếm 15,2%. Ngoài ra, CPTPP có 22 điểm tạm hoãn liên quan đến: hải quan, đầu tư, dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, môi trường… Đây chủ yếu là các vấn đề khó do Mỹ yêu cầu đưa vào trong TPP trước đây. Việc tạm hoãn thực hiện các điểm này được đánh giá là sẽ giảm bớt các rủi ro, thách thức cho Việt Nam”.

Nắm bắt cơ hội

Các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, CPTPP vẫn là một hiệp định đáng cân nhắc. Trong đó, CPTPP dẫn tới mức độ đa dạng hàng hóa xuất khẩu lớn hơn nếu tính trên thị trường xuất khẩu. Cụ thể, ngành dệt may, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, sản phẩm da và nhựa… sẽ có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất khi CPTPP có hiệu lực. Trong dài hạn, lợi ích đạt được không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng hóa xuất khẩu. Nghĩa là CPTPP làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu mà thay vào đó là sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ. Ngoài các vấn đề về thương mại, CPTPP khuyến khích cải cách nhiều lĩnh vực như: cạnh tranh, hải quan, thương mại điện tử, đầu tư, tiêu chuẩn lao động... Đặc biệt, CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy sự minh bạch và hỗ trợ việc hình thành các thể chế hiện đại ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi CPTPP có hiệu lực, dự kiến có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều từ CPTPP như dệt, may mặc, da. Tuy nhiên, việc FDI tăng lên không phải là không đi kèm chi phí. Do vậy, Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này. Kinh nghiệm sau khi gia nhập WTO cho thấy, Việt Nam không thể tận dụng ngay lập tức các lợi ích của việc gia nhập WTO để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn do thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị cao. Nguyên nhân là do chi phí hậu cần trong nước còn cao và cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam nhất thiết phải cải thiện khả năng kết nối để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và giữ chi phí thương mại ở mức thấp.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, nhìn nhận: “Thực tế cho thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Việc Mỹ rút khỏi TPP khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không còn mặn mà với CPTPP. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, Mỹ nhiều khả năng sẽ quay lại với sân chơi CPTPP trong tương lai. Còn việc trước mắt, doanh nghiệp trong nước phải làm là tận dụng những lợi thế, điều khoản có lợi cho Việt Nam khi chuyển đổi từ TPP sang CPTPP”. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, CPTPP là một hiệp định mở và có thể có thêm nhiều nước cùng tham gia trong những năm tới. Do đó, doanh nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng cần phải có sự chuẩn bị trước để sẵn sàng tham gia vào sân chơi rộng lớn này. Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI, khuyến cáo: “Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường, đối tác quan tâm. Đồng thời, thay đổi quy trình sản xuất cho phù hợp với tiêu chuẩn, quy định từ thị trường các nước. Khi cần được hỗ trợ, doanh nghiệp có thể liên hệ với các đầu mối như: Trung tâm WTO và Hội nhập, Bộ Công thương, Bộ Tài chính... để có những tư vấn hợp lý và hữu ích nhất”.

 Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết