Ngay thời điểm trái dừa khô liên tục rớt giá, tỉnh Bến Tre đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ trái dừa, trong đó có kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp (DN) kinh doanh các sản phẩm từ dừa quan tâm chia sẻ khó khăn cùng người trồng dừa.
Sự chia sẻ của DN trong thời điểm dừa rớt giá vừa giúp người trồng dừa đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa giữ vững diện tích đất trồng dừa, cung cấp nguồn nguyên liệu đảm bảo cho nhà máy hoạt động. Nhận thức được mối quan hệ tương tác này, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre là một trong những DN tiên phong tích cực hưởng ứng chủ trương của tỉnh. Công ty đã xây dựng phương án triển khai mạng lưới thu mua dừa trái trực tiếp từ nông dân.
 |
Dừa khô rớt giá, người trồng dừa đang cần được hỗ trợ. |
Theo ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, từ đầu năm 2012 đến nay, các sản phẩm nông sản, trong đó có các sản phẩm từ dừa gặp khó khăn đầu ra làm ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng dừa, công ty đã xây dựng phương án giảm giá thu mua dừa nguyên liệu, không lợi dụng trái dừa khô dôi dư dồi dào mà đột ngột hạ giá thu mua. Từ tháng 4-2012 đến nay, công ty luôn hỗ trợ giá thu mua cơm dừa cho hệ thống cung ứng để nâng giá thu mua dừa trái cho người trồng dừa. Có thời điểm, công ty thu mua cơm dừa từ hệ thống cung ứng cao hơn giá thị trường khoảng 1.500 đồng/kg và trung bình mua giá cao hơn từ 700-1.000 đồng/kg. Mặt khác, khuyến khích hệ thống cung ứng dừa cho công ty trực tiếp đến hộ dân thu mua để giảm bớt khâu trung gian. Nhà máy của công ty hoạt động hết công suất, trung bình thu mua 400.000 trái dừa/ngày. Công ty còn tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu để góp phần giảm lượng dừa nguyên liệu ứ đọng trong hộ dân.
Thời gian qua, trái dừa khô liên tục rớt giá, cuộc sống người trồng dừa khó khăn dễ dẫn đến việc không còn mặn mà chăm sóc cây dừa. Theo phân tích của một số DN, khi trái dừa khô giá thấp, một số hộ dân neo lại chờ tăng giá mới bán, thời gian cây dừa nuôi trái kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng cho trái. Có thể sang năm 2013, dừa cho trái thu hoạch giảm, DN chế biến phải đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu. Ông Trần Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, nói: “Đối với công ty, một mặt hỗ trợ người trồng dừa trong điều kiện cho phép, mặt khác triển khai mạng lưới thu mua dừa trái trực tiếp từ nông dân tại các huyện trồng dừa. Hiện tại, trái dừa từ nông dân đến nhà máy phải qua nhiều trung gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng dừa lẫn DN chế biến. DN đang triển khai phương án này tại huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm. Các hộ dân trồng dừa trong cùng một xã hoặc khu vực liên kết thành một tổ và tổ trưởng làm đại diện để trực tiếp giao dịch mua bán giữa nông dân và công ty”. Theo ông Đức, công ty hình thành điểm sơ chế khu vực, định kỳ tổ thu gom dừa trái của các thành viên và vận chuyển đến cơ sở chặt gọt của công ty. Việc phân loại, giá cả thu mua theo thỏa thuận và tuân thủ nguyên tắc đã ký kết trong hợp đồng. Hằng tháng, quản lý cơ sở sơ chế khu vực, tổ thu gom và các thành viên tổ hợp tác họp thông tin tình hình tiêu thụ sản phẩm chế biến, giá cả thị trường, trao đổi kỹ thuật canh tác, xem xét và điều chỉnh những điểm không phù hợp trong quá trình phối hợp hoạt động.
Hiệp hội dừa Bến Tre, Ban quản lý Dự án phát triển kinh doanh với người nghèo (DBRP) và Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre đã thỏa thuận hình thành mô hình liên kết giữa DN và hộ trồng dừa. Năm 2012, dự kiến chọn 3 xã Minh Đức (Mỏ Cày Nam), Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc) và Hưng Nhượng (Giồng Trôm) để triển khai mô hình. Hiệp hội Dừa Bến Tre phối hợp lãnh đạo các xã, chi hội trồng dừa triển khai thống nhất chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện; vận động công ty phân bón có phương án kinh doanh gắn kết đến tận cơ sở, giảm trung gian trong phân phối, hỗ trợ người trồng dừa thụ hưởng lợi ích thông qua dịch vụ bán lẻ, giá ưu đãi. Các chi hội trồng dừa thực hiện vai trò đầu mối với DN và hộ trồng dừa; xúc tiến thành lập các tổ, nhóm liên kết trực thuộc chi hội. Về lâu dài, công ty có dự án phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cho nhà máy hoạt động.
Mục tiêu mối liên kết hướng đến là hình thành mạng lưới thu mua dừa trái trực tiếp từ nông hộ, giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị của trái dừa, góp phần ổn định giá dừa tại địa phương. Ban quản lý dự án DBRP Bến Tre hỗ trợ các tổ nhóm hợp tác về nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho hoạt động thu mua, các chi phí tập huấn dạy nghề, dịch vụ tư vấn, thông tin thị trường, khảo sát, chi phí hoạt động điều hành của các chi hội... Các cơ sở chế biến dừa tại địa phương trong vùng dự án tạo việc làm, thêm thu nhập cho lao động nông thôn. Hiện nay Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre chuẩn bị đưa nhà máy sản xuất sữa dừa và nước dừa đóng lon đi vào hoạt động cần số lượng lớn dừa nguyên liệu. Do đó, việc tạo vùng nguyên liệu thông qua gắn kết với người trồng dừa để đảm bảo sản lượng cho nhà máy hoạt động là rất cần thiết. Mô hình liên kết này là sự chia sẻ trách nhiệm giữa các nhà máy chế biến, xuất khẩu và hộ trồng dừa trong vùng nguyên liệu, góp phần khai thông nguồn lực tiêu thụ sản lượng dừa trái.
Bài, ảnh: TRẦN QUỐC