Ưu tiên vốn cho sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa
là chủ trương lớn Chính phủ đặt ra, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn, đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Cuối năm 2011, lãi suất cho vay của các ngân hàng hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức 17-19%/năm, đây là “ngưỡng” mà không phải DN nào cũng đủ khả năng trả lãi trong điều kiện sản xuất, kinh doanh, thị trường không thuận lợi.
Doanh nghiệp than khó!
 |
Doanh nghiệp đang cần sự tiếp sức của các ngân hàng. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN |
Theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, dù lãi suất cho vay của các ngân hàng bắt đầu giảm từ cuối năm 2011, song với mức 18-19%/năm vẫn còn khó khăn cho DN. Đặc thù của ngành sản xuất và kinh doanh lúa gạo là phải mua hàng tạm trữ thời gian dài. Nếu tính thời gian thu mua (từ 1-2 tháng), chế biến, giao hàng đến lúc nhận tiền có thể kéo dài từ 4-5 tháng, DN phải gánh thêm chi phí lãi suất và các chi phí khác với mức trung bình khoảng 200 đồng/kg. Trong khi đó, DN buộc phải có nguồn hàng tạm trữ khoảng 50% khối lượng thì mới dám đàm phán, ký kết hợp đồng. Ông Khải nói: “Thành phố cần có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các DN xuất khẩu gạo để giúp DN giảm bớt gánh nặng tăng chi phí lãi suất khi thu mua tồn trữ trong thời gian dài. Các DN cần hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng kho chứa lúa gạo, hệ thống sấy, bảo quản sau thu hoạch, các thiết bị dây chuyền xay xát chế biến gạo góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm gạo xuất khẩu”. Ngoài ra, theo ông Khải, những DN liên kết bao tiêu lúa cũng cần tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư trực tiếp cho nông dân về vật tư đầu vào như giống, phân thuốc, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất và giảm rủi ro khi thị trường biến động về giá.
Ông Lương Hoàng Mãnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong, cho rằng năm 2012, các DN thủy sản có khả năng tiếp tục đối mặt với khó khăn thiếu nguyên liệu cho chế biến. Các DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để từng bước tháo gỡ khó khăn. Vì vậy, DN rất mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát, quản lý dòng vốn, phân bổ vốn hợp lý để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 20-2, NHNN ban hành Công văn số 958/NHNN-CSTT yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo những vấn đề về khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp (DN) về NHNN trước ngày 25-2. NHNN yêu cầu các NHTM đánh giá và báo cáo khả năng tiếp cận vốn vay, sử dụng vốn tín dụng ngân hàng của các DN, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách... ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của DN. Qua đó, các NHTM đề xuất giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới. Những vấn đề này sẽ được NHNN trình lên Chính phủ giải quyết để cải thiện khả năng tiếp cận vốn, sử dụng vốn của DN. Hiện nay, vốn cho sản xuất, kinh doanh là vấn đề nan giải của nhiều DN, người dân. Do vậy, với động thái của Chính phủ, DN đang hy vọng sẽ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, đảm bảo sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Giải bài toán vốn
Ông Lê Hữu Ngân, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ (VietinBank), cho biết: “Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn. Tuy nhiên, ngân hàng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các DN, dành nguồn vốn từ Trung ương và vốn huy động tại địa phương để đáp ứng nhu cầu của DN”. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay hệ thống ngân hàng VietinBank đối với các lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch dao động ở mức 16-17%/năm. Theo ông Ngân, riêng các DN vay xuất khẩu có ngoại tệ thu về cung ứng cho ngân hàng sẽ được vay với lãi suất ưu đãi từ 15,5-15,8%/năm. Nguồn vốn từ ngân hàng đã có, chỉ cần DN có dự án vay vốn khả thi, đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng thì VietinBank sẽ sẵn sàng “trải thảm đỏ” chào đón.
Tại Hội nghị “Tổng kết tình hình xuất nhập khẩu năm 2011 và kế hoạch xuất nhập khẩu năm 2012” của TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: “Để từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN trên địa bàn, nhất là đối với DN xuất khẩu, thành phố sẽ làm việc với NHNN chi nhánh Cần Thơ và các NHTM trên địa bàn tạo mọi điều kiện để các DN thuận lợi tiếp cận vốn, đảm bảo sản xuất, kinh doanh”. Phó Chủ tịch Võ Thành Thống đề nghị NHNN chi nhánh Cần Thơ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các NHTM trên địa bàn thực hiện đúng theo Chỉ thị 01/2012/CT-NHNN (ngày 13-2-2012) của Thống đốc NHNN “về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả năm 2012”. Đồng thời, kiểm tra việc sử dụng vốn của DN đảm bảo đúng mục đích, phục vụ cho yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố năm 2012.
Theo phản ánh của các DN, nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của DN rất lớn, nhưng hạn mức vay không nhiều và nhiều DN đã hết hạn mức vay, do còn nợ cũ. Hiện nay, các ngân hàng lớn đồng loạt công bố hạ lãi suất cho vay như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank sẽ là cơ hội để DN vay vốn sản xuất, kinh doanh năm 2012. Đây cũng là điều kiện để DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
MINH HUYỀN