18/08/2019 - 09:17

Điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường ở trạm y tế 

Tăng huyết áp và đái tháo đường là 2 căn bệnh không lây nhiễm thường gặp và phải điều trị thường xuyên, suốt đời. Ước tính 60% người bệnh đái tháo đường và 50% người bệnh tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Nhằm phát hiện sớm, giảm biến chứng và tử vong ở hai căn bệnh này, ngành y tế xây dựng mô hình dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế.

Thuận tiện cho người dân

Chú Trần Thanh Tòng, ở khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, bị tăng huyết áp gần 7 năm nay. Định kỳ nửa tháng một lần, chú lại đến Trạm Y tế phường Tân Hưng để khám, nhận thuốc uống. Hàng năm, chú lên bệnh viện tuyến trên để khám, xét nghiệm tổng quát, đánh giá hiệu quả điều trị, xem có biến chứng gì không. Kết quả đều tốt. Chú Trần Thanh Tòng cho biết: "Trước đây, tôi khám, nhận thuốc ở bệnh viện. Sau đó, tôi về trạm y tế khám, lấy thuốc cho gần nhà, đỡ mất công chờ đợi, đi lại".

Trạm Y tế phường Tân Hưng triển khai mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm từ tháng 1 năm nay. Đây cũng là một trong số 5 trạm y tế triển khai mô hình này do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ, Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp. Trước khi triển khai, cán bộ, nhân viên trạm y tế được tuyến trên tập huấn, cấp máy đo và kim que thử đường huyết mao mạch, máy đo huyết áp, hồ sơ bệnh án, hỗ trợ cộng tác viên điều tra ở cộng đồng. Trạm cùng cộng tác viên, tổ y tế lập danh sách người dân từ 40 tuổi trở lên, phỏng vấn các yếu tố nguy cơ. Khi có yếu tố nguy cơ, mời về trạm y tế để khám tầm soát. Qua đó, trạm y tế đã tầm soát tăng huyết áp cho 972 người dân, chẩn đoán 143 trường hợp bị tăng huyết áp để lập hồ sơ bệnh án điều trị. Với bệnh đái tháo đường, đã tầm soát cho 401 người, 58 trường hợp nghi ngờ đái tháo đường chuyển về Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt để chẩn đoán xác định.

Đến nay, Trạm Y tế phường Tân Hưng đang quản lý, điều trị 337 bệnh nhân tăng huyết áp, 72 trường hợp được chẩn đoán bệnh đái tháo đường có hồ sơ quản lý điều trị tại trạm y tế. Bác sĩ Bùi Trần Trí Sỹ cho biết: "Trạm hiện có 2 loại thuốc điều trị đái tháo đường và 3 loại điều trị tăng huyết áp. Bệnh nhân được cấp thuốc nửa tháng/lần. Nếu ở xa, cấp thuốc 1 tháng/lần. Trong quá trình điều trị, kết hợp tư vấn dinh dưỡng, tập luyện, cách phòng các biến chứng... Chúng tôi cũng tư vấn cho bệnh nhân 6 tháng hoặc 1 năm/lần đi lên bệnh viện tuyến trên khám, xét nghiệm kiểm tra".

Y sĩ Nguyễn Văn Ngân, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Hưng, cho biết: "Việc triển khai điều trị bệnh không lây nhiễm ở trạm y tế gắn với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận tiện cho trạm y tế. Người dân được tầm soát, phát hiện sớm bệnh, được điều trị và theo dõi trong suốt quá trình điều trị, tránh tình trạng bệnh mà không biết, điều trị không thường xuyên, liên tục".

Bác sĩ đo huyết áp cho bệnh nhân bị tăng huyết áp tại Trạm Y tế phường Tân Hưng.

Bác sĩ Dương Phước Long, Trưởng Khoa Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC), cho biết: Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường ở các trạm y tế được triển khai từ năm 2010. Mô hình quản lý lồng ghép đái tháo đường và tăng huyết áp do WHO hỗ trợ thực hiện từ năm 2017. Đến nay, trong toàn thành phố tất cả 85 trạm y tế thực hiện quản lý bệnh tăng huyết áp và 60/85 trạm y tế quản lý bệnh đái tháo đường (trong khi chỉ tiêu giao năm 2019 là 43 trạm y tế).  Các trạm y tế cũng được trang bị máy đo huyết áp, máy đo đường huyết mao mạch, các tài liệu truyền thông... Về thuốc điều trị, trước đó chỉ có 8 trạm y tế có thuốc điều trị đái tháo đường thì nay tăng lên 60 trạm y tế. Chủng loại thuốc cũng tăng đáng kể, có 44 trạm y tế có từ 2 loại thuốc trở lên để điều trị đái tháo đường và 56 trạm y tế có từ 2 loại thuốc trở lên điều trị tăng huyết áp. Trước đó, hầu như các trạm y tế chỉ dùng 1 loại thuốc điều trị tăng huyết áp là Apitim.

Còn khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn. Thuốc điều trị là tiền đề của quản lý - điều trị bệnh nhưng chưa đủ mà phải dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh theo hướng dẫn. Mặt khác, lực lượng y, bác sĩ phụ trách điều trị tại trạm y tế chỉ có 1 người/buổi nên không đủ thời gian thực hiện đầy đủ các bước thực hành chẩn đoán và điều trị theo quy định. Trong khi đó, một số trạm y tế nằm trong nội ô quận Ninh Kiều và một số trạm cận trung tâm quận có đủ nhân lực thì không có bệnh đến điều trị.

Hiện nay, các trạm y tế triển khai mô hình sẽ nhập liệu thông tin chẩn đoán, điều trị vào phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, nhân lực tại các trạm y tế không đủ. Chưa kể khi khám, điều trị, cán bộ y tế đã nhập thông tin vào phần mềm khám chữa bệnh, ghi bệnh án ngoại trú bằng giấy, nay nhập liệu thêm phần mềm này khiến trạm y tế không đủ nhân lực, thời gian thực hiện.

Theo bác sĩ Dương Phước Long, từ đây đến cuối năm 2019, CDC mở rộng triển khai hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm tại 8 trạm y tế phường còn lại của quận Thốt Nốt, đồng thời hướng dẫn mở rộng triển khai hoạt động quản lý bệnh đái tháo đường tại các địa phương theo lộ trình đến năm 2020 có 64 trạm y tế triển khai quản lý đái tháo đường và 100% trạm y tế triển khai vào năm 2024. Sắp tới, Bệnh viện Bạch Mai cũng đến làm việc với Sở Y tế, CDC để triển khai mô hình điểm quản lý bệnh tăng huyết áp tại trạm y tế.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết