13/07/2017 - 16:54

Điều trị sốt xuất huyết theo y học cổ truyền

TTH.VN - heo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết (SXH) độ I và độ II có thể được điều trị hiệu quả theo y học cổ truyền. Bệnh nhân SXH độ III, IV bắt buộc phải điều trị theo y học hiện đại, có thể điều trị kết hợp với bài thuốc cổ truyền.

* BS VŨ ĐÌNH QUỲNH
(Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ)

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết (SXH) độ I và độ II có thể được điều trị hiệu quả theo y học cổ truyền. Bệnh nhân SXH độ III, IV bắt buộc phải điều trị theo y học hiện đại, có thể điều trị kết hợp với bài thuốc cổ truyền.

 

Rau má. Ảnh: K.L

Y học cổ truyền xếp SXH vào nhóm ôn bệnh. Nhiệt tà tác động vào dinh, vệ, khí huyết. Phép điều trị là: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng. Nguyên tắc chung trong điều trị SXH theo y học cổ truyền là sử dụng bài thuốc y học cổ truyền kết hợp nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu hóa.

Bài thuốc 1:

Lá cúc tần 12g (hạ sốt)

Nhọ nồi 16g (cầm máu)

Mã đề 16g (lợi tiểu)

Trắc bách diệp (sao đen) 16g (cầm máu)

Sắn dây củ 20g (thanh nhiệt)

Rau má 16g (nhuận gan, thanh nhiệt)

Lá tre 16g (hạ sốt, thanh nhiệt)

Gừng tươi 3 lát

Nếu không có sắn dây củ thì có thể thay bằng lá dâu 16g, không có trắc bách diệp thì thay bằng lá sen sao đen 12g, hoặc kinh giới sao đen 12g

Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Bài thuốc 2:

Nhọ nồi (sao vàng) 20g (chỉ huyết, nhuận huyết)

Cối xay (sao vàng) 12 gam (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc)

Rễ cỏ chanh 20g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc)

Sài đất 20g (thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng)

Kim ngân (sử dụng cả hoa, lá, cuộng) 12g (thanh nhiệt, giải độc, chống nhiễm trùng)

Hạ khô thảo (sao qua) 12g (lợi tiểu, hoạt huyết, thanh can hỏa)

Hòe hoa 10 gam (cầm máu)

Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị, giải biểu, giải độc)

Nếu không có hạ khô thảo thì thay bằng bồ công anh: 12g

Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.

Bài thuốc 3:

Nhọ nồi 20g

Cam thảo 6g

Hoạt thạch 12g (lợi tiểu, hạ sốt)

Mã đề 16g (lợi tiểu, hạ sốt)

Gừng tươi 3 lát

Nếu không có hoạt thạch thì thay bằng cối xay 12g, không có mã đề thì thay bằng lá tre 16g

Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần. Khi người bệnh hết sốt thì ngừng uống ngay.

Bài thuốc 4:

Hoạt thạch 6 phần

Cam thảo 1 phần

Cách dùng: tán thành bột, trộn đều, uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Khi bệnh nhân hết sốt thì ngừng uống ngay.

Các bài thuốc này nếu điều trị cho trẻ em thì sử dụng với liều lượng như sau:

- Trẻ còn bú mẹ: điều trị bằng cách cho mẹ uống thuốc để thuốc qua sữa cho con.

- Trẻ em từ 1-5 tuổi: liều dùng bằng 1/3 người lớn.

- Trẻ em từ 6-13 tuổi: liều dùng bằng 1/2 người lớn.

- Trẻ em 14 tuổi trở lên: liều dùng bằng liều người lớn.

Bài thuốc 5: áp dụng cho bệnh nhân SXH giai đoạn phục hồi

Đẳng sâm 16g

Bạch truật 12g

Trần bì 8g

Hoàng kỳ 12g

Sài hồ 10g

Thăng ma 8g

Cam thảo 6g

Đương qui 12g

Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.

Lưu ý: Bệnh nhân SXH có sốt cao không được dùng nhân sâm và các chế phẩm có nhân sâm, nếu điều trị theo y học hiện đại thì không hạ sốt bằng Aspirin.n

Chia sẻ bài viết