13/08/2019 - 08:27

Điều trị gãy cổ xương đùi người cao tuổi 

Chỉ một chút sơ ý, người lớn tuổi có thể bị té và gãy cổ xương đùi. Tai nạn này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của các cụ nếu không được điều trị kịp thời. Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, mỗi tuần phẫu thuật 5-7 bệnh nhân trên 60 tuổi bị gãy cổ xương đùi... với tỷ lệ thành công cao.

Một phút sơ sẩy

Bà Võ Thị Hương, 81 tuổi, xã Hiệp Lợi, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị té gãy cổ xương đùi, đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình. Theo chị Trần Thị Liễu, con bà Hương, mẹ chị bị trượt chân té ở hiên nhà, rồi bà than đau vùng háng, nằm luôn một chỗ. Do bà bị cao huyết áp, nên gia đình sợ khi bác sĩ chỉ định phẫu thuật thay khớp háng. Nhưng bác sĩ khám tư vấn cho gia đình biết nếu đem về, nằm lâu bà bị loét, viêm phổi... nên gia đình quyết định phẫu thuật.

Gãy cổ xương đùi thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi và ở nữ gặp nhiều hơn nam. Nguyên nhân do nữ sau tuổi mãn kinh, loãng xương nhiều hơn. Phần lớn bệnh nhân trượt té trong nhà tắm, hiên nhà, dép trơn, vấp ống quần... Triệu chứng của gãy cổ xương đùi thường là sau khi té, bệnh nhân than đau vùng khớp háng, không tự đứng dậy, đi lại được. Người nhà cần cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, gọi điện thoại báo cơ sở y tế chuyển đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Trong trường hợp người nhà tự chuyển bệnh nên giữ chân bệnh nhân duỗi thẳng.

Theo bác sĩ Nguyễn Tâm Từ, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, gãy cổ xương đùi có nhiều phương pháp điều trị nhưng phẫu thuật là lựa chọn ưu tiên. Có hai phương pháp: Phẫu thuật bảo tồn chỏm xương đùi hoặc thay chỏm (thay khớp háng). Phẫu thuật bảo tồn thường được chỉ định cho gãy ít di lệch. Thầy thuốc sẽ đưa bệnh nhân lên bàn chỉnh hình, sử dụng đinh hoặc vít cố định xương gãy. Phẫu thuật thay chỏm chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi, gãy di lệch nhiều hoặc muốn phục hồi chức năng đi lại sớm. Bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy đi phần chỏm xương đùi gãy thay vào đó chỏm bằng kim loại hoặc bằng sứ. 

Ngày đầu sau phẫu thuật hầu hết các bệnh nhân đều có thể ngồi dậy sinh hoạt tại giường, tập đứng và đi lại với khung tập đi từ ngày thứ hai trở đi tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước phẫu thuật.

Bà Nguyễn Thị Bưởi đi lại bằng khung tập sau gần 10 ngày phẫu thuật điều trị gãy cổ xương đùi.

Điều trị càng sớm càng tốt

Bà Nguyễn Thị Bưởi, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, sau 2 tuần phẫu thuật thay khớp háng, bà khỏe mạnh, minh mẫn, tự đi lại bằng khung đỡ. Trước đó, bà Bưởi vướng chân này vào chân kia, rồi té. Gia đình đưa bà vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bà bị gãy cổ xương đùi và được đưa vào điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình. Bà bị bệnh tim nặng nên gia đình lo sợ phẫu thuật nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người quen tư vấn nên đưa bà đi bó thuố c nam, gia đình càng hoang mang. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn và thấy thực tế các bệnh nhân điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, gia đình quyết định phẫu thuật.

Sau phẫu thuật 1 ngày, bà Bưởi đã ngồi dậy được. Sau khi phẫu thuật, gia đình được hướng dẫn cách tập vật lý trị liệu cho bà. Bà Bưởi xuất viện sau 4 ngày phẫu thuật. Bà Lâm Thị Lan Hương, con bà Bưởi nói: “Ở nhà, bà bị bệnh tim, hằng ngày đều phải uống thuốc, đi lại khó khăn, đầu óc đôi khi không minh mẫn. Khi phẫu thuật, gia đình chỉ mong bà ngồi dậy, hết đau là mừng nhưng gia đình rất bất ngờ, bà tự đi lại được. Bác sĩ giỏi quá!”.

Trong thực tế, nhiều người cho rằng người già bị huyết áp, tiểu đường, tim... không nên phẫu thuật, sợ không qua khỏi, nên để người bệnh ở nhà điều trị bằng cách bó thuốc nam. Điều này có thể làm người bệnh bị nhiễm trùng vết bó, loét vùng tì đè, viêm phổi do nằm lâu ngày. Bác sĩ Nguyễn Tâm Từ cho biết thêm: “Nếu để bệnh nhân bó thuốc nam, gia đình rất khó chăm sóc, chưa kể các biến chứng. Ở người lớn tuổi, chỉ nằm lâu 1 tuần trở lên là nguy cơ biến chứng viêm phổi rất cao. Nằm lâu, gây biến chứng thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim... Bệnh nhân phẫu thuật càng sớm càng ít biến chứng. Cổ xương đùi rất ít mạch máu nuôi. Khi gãy cổ xương đùi, mạch máu nuôi nằm sát cổ xương đùi tổn thương theo nên gần như không lành được”.

Phẫu thuật thay khớp háng không quá phức tạp, bệnh viện tỉnh vẫn thực hiện được. Tùy vào bệnh sử, bác sĩ sẽ tư vấn cho người nhà và cân nhắc phương pháp điều trị. Để phòng ngừa gãy cổ xương đùi, các  thầy thuốc khuyên gia đình nên cho các cụ ăn uống đủ chất, bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi như sữa, phô mai, phơi nắng... Đồng thời, trong gia đình loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây té ở người già.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết