26/11/2018 - 20:29

Điều trị bướu máu, sẹo lồi bằng miếng dán phóng xạ 

Theo các thầy thuốc ở Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (BVUB CT), điều trị bướu máu, sẹo lồi bằng miếng dán phóng xạ là phương pháp đạt hiệu quả cao và được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nên cũng giảm chi phí cho người bệnh.

80% bướu máu trẻ em tự hết

Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, xã Tân Quới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đưa con trai 9 tháng tuổi đến Khoa Y học hạt nhân BVUB CT điều trị bướu máu. Theo chị Hồng, khi mới sinh ra, bé đã nổi bớt đỏ ở gần lỗ tai và gia đình đã cho cháu đi khám ở nhiều bệnh viện. Khi nghe thông tin BVUB CT có điều trị bướu máu, nên chị Hồng đưa con đến đây, lúc bé mới 5 tháng tuổi, bác sĩ tư vấn bướu lành và để theo dõi thêm. Sau 4 tháng, bướu lan rộng, bác sĩ chỉ định điều trị. Bé được dán miếng dán phóng xạ (P 32).

Nhân viên Khoa Y học hạt nhân dán miếng dán phóng xạ lên bướu máu.

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bướu máu như: đắp nitơ lỏng, chích corticoid, laser và dán miếng phóng xạ... Bác sĩ Nguyễn Tấn Lực, Phó Trưởng Khoa Y học hạt nhân, BVUB CT cho biết, cách điều trị hiệu quả nhất là laser và dán miếng phóng xạ. Khi dán, phóng xạ ăn mòn bướu và quy trình dán lặp lại từ 20-30 lần, bướu mất hoàn toàn thì ngưng dán. Tuy nhiên, khi dán, có tác dụng phụ là làm mất sắc tố da, chỗ dán sẽ có màu trắng. Theo các bác sĩ, trẻ em bướu máu thường do bẩm sinh, trẻ sinh ra đã có và trẻ đến khoảng 12 tháng tuổi thì 80% số trẻ bị bướu máu không tiến triển thêm và giảm dần rồi hết hẳn mà không cần điều trị. Riêng 20% còn lại, bướu máu không hết, mà còn có thể tiến triển lan rộng. Việc điều trị phụ thuộc vào gia đình bởi bướu máu là bướu lành, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, chỉ gây mất thẩm mỹ.  

Với phương pháp điều trị bằng miếng dán phóng xạ, chi phí khoảng 500.000 đồng/1 lần dán. Hiện việc điều trị bướu máu bằng phóng xạ được BHYT chi trả, nên cũng giảm chi phí cho người bệnh. Theo các bác sĩ, việc chỉ định điều trị bướu máu bằng P 32 khi: bướu lớn nhanh, bướu không thuyên giảm khi trẻ lớn, bệnh nhân không có khả năng điều trị bằng laser. 

Điều trị hiệu quả sẹo lồi

Khác với bướu máu bẩm sinh ở trẻ nhỏ, sẹo lồi thường gặp ở người có cơ địa sẹo lồi, chỉ cần nổi mụn nhọt, trầy xước cũng có thể tiến triển thành sẹo. Ngoài ra, sẹo lồi thường xuất hiện khi da bị tổn thương như bỏng, tai nạn, sau phẫu thuật... Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Lực, bệnh viện đã từng điều trị cho một bệnh nhân nữ bị mảng sẹo lồi lớn ở cách tay. Khi bị sẹo lồi, chị đã đi phẫu thuật ở 2 nơi nhưng sau phẫu thuật, sẹo lan rộng, phồng lên nhiều hơn. Chị tìm đến BVUB CT, bác sĩ chỉ định dán P 32.

Cách điều trị sẹo lồi bằng phóng xạ cũng tương tự như bướu máu nhưng liều phóng xạ cao gấp 3 lần. Mỗi tuần bệnh nhân đến BV dán 1 lần. Thời gian khoảng 15-30 phút thì gỡ ra. Bệnh nhân ra về và sau 1 tuần tiếp tục lặp lại quy trình. Thời gian điều trị kéo dài cả năm. Vì thế những bệnh nhân ở xa khó kiên trì điều trị. Khi điều trị và sau điều trị, người bệnh cần cẩn thận tránh ánh nắng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Y học hạt nhân đã diều trị 2 ca bướu máu và 9 ca sẹo lồi.

Có nhiều người lo sợ điều trị bằng phóng xạ gây nhiều tác dụng phụ nặng nề cho bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Tấn Lực cho biết: Điều trị bằng phương pháp nào cũng có một số biến chứng nhất định, do đó khi điều trị cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và phải được theo dõi sát trong lúc điều trị và ngay cả sau điều trị. Dù đây chưa phải là phương pháp điều trị hiện đại nhất nhưng cũng là phương pháp mang lại hiệu quả rõ rệt khi mà chưa có một phương pháp nào tốt hơn dành cho người dân ĐBSCL. Đặc biệt là đối với bệnh nhân sẹo lồi, đây gần như là phương cách điều trị cuối cùng có hiệu quả mà không có phương pháp nào thay thế được”. Vì thế, khi cần điều trị, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. 

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết