16/06/2011 - 09:02

Điện thoại di động thay đổi ngân hàng ở Nam Phi

Mavis Nonkongozelo bước đến cửa hiệu tiện dụng Five Sisters ở thị trấn Khayelitsha (Nam Phi), sau đó móc điện thoại di động và một vài đồng rand ra là cô đã sẵn sàng để giao dịch với ngân hàng. Với vài cái nhấn trên điện thoại, cô giáo mẫu giáo 34 tuổi này đã kết nối với một mạng lưới ngân hàng di động mới thành lập, nhắm vào những người tiêu dùng mới của châu Phi. Một nữ nhân viên chấp nhận tờ giấy bạc 20 rand (2,94 USD) qua một cửa sổ có ngăn và sau đó nhấn vài nút trên điện thoại của cô. Và thế là tiền đã được ghi vào một tài khoản đặc biệt miễn phí tại ngân hàng Standard Bank, lớn nhất Nam Phi.

Từ các chiếc lều được dựng bằng tole bên ngoài Cape Town, Standard Bank đang chuyển sang mô hình sử dụng điện thoại di động chi phí thấp đặt ở gần người dân thay vì cách kinh doanh chính là thu hút khách hàng đến các chi nhánh và máy rút tiền tự động. Sự thay đổi này nói lên rất nhiều về nơi ngân hàng “đặt cược” vào sự phát triển kinh tế của châu Phi khi một tầng lớp trung lưu mới đang nổi lên.

Kể từ khi chính thức tung ra hồi năm ngoái, Standard Bank đã mở cửa hơn 8.300 “bank shop” (cửa hiệu ngân hàng) như thế tại các địa điểm từ những cửa hiệu thuận tiện ngoài lề đường cho đến các cửa hiệu ăn uống nhỏ. Đến cuối năm nay, Standard Bank dự định sẽ có khoảng 10.000 cửa hiệu ngân hàng khắp đất nước, chủ yếu ở các thị trấn có đông người da đen của Nam Phi, và tuyển mộ nhiều nhân viên kinh doanh địa phương để tìm kiếm khách hàng. Các cửa hiệu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp cận khoảng 15 triệu người dân ở Nam Phi, hay khoảng 30% dân số, không có tài khoản ngân hàng nhưng hiện có điều kiện để chi tiêu.

Standard Bank không tính phí cho loại tài khoản này, nhưng ngân hàng kiếm được khoản huê hồng nhỏ từ việc chuyển tiền và những người cho vay trên điện thoại di động. Sự thiếu ngân hàng ở châu Phi từ lâu đã gây trở ngại cho dòng vốn và sự phát triển kinh tế. Phần lớn ngân hàng xem chi phí mở rộng mạng lưới chi nhánh quá cao trong khi sự đáp lại từ các khách hàng nghèo hơn quá thấp. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, chỉ có 20% số gia đình châu Phi có tài khoản ngân hàng.

Ngay cả ở Nam Phi, nền kinh tế giàu nhất lục địa đen và có nhiều ngân hàng nhất, người dân nông thôn vẫn nhờ tài xế taxi để chuyển tiền giữa các thị trấn. Các tài xế chiếm đến 10% tổng số tiền được chuyển. Tuy nhiên, “bức tranh” ngân hàng châu Phi đang thay đổi nhờ vào thu nhập tăng cao và sự phổ biến của điện thoại di động.

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính tầng lớp người tiêu dùng – chỉ những người có mức chi tiêu 2-10 USD/ngày – đã tăng lên khoảng 300 triệu người. Số thuê bao điện thoại di động ở châu Phi cũng đã tăng từ 90 triệu hồi năm 2005 lên khoảng 333 triệu trong năm 2010, theo Liên Hiệp Quốc. Chỉ riêng ở Nam Phi, thuê bao ngân hàng di động – được cung cấp bởi tất cả 4 ngân hàng lớn của quốc gia này – đã tăng 21% từ tháng 7-2009 đến tháng 6-2010. Do đó, các công ty tài chính đã triển khai các dịch vụ điện thoại di động để nhắm tới những khách hàng chưa từng với tới.

Ngân hàng Quốc gia số 1 của Nam Phi đang sử dụng ngân hàng di động để mở rộng sang các nước láng giềng. Standard Bank cũng đang tung ra mô hình cửa hiệu ngân hàng di động ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất.

Coenraad Jonker, một trong những giám đốc điều hành Standard Bank triển khai chương trình cửa hiệu ngân hàng di động, cho biết mô hình này rất hiệu quả về mặt chi phí. Các máy ATM thường là mục tiêu của những nhóm tội phạm vũ trang, thay vì thuê những bảo vệ trang bị vũ khí tự động để chuyển tiền, một chiếc máy cỡ lòng bàn tay tại một cửa hiệu ngân hàng có thể làm được việc tương tự, cùng với tín hiệu điện thoại di động.

Về phía người dùng cũng được lợi, như đối với cô Mavis Nonkongozelo, trước đây cô không thể nào tiết kiệm được tiền bạc. Nhưng hiện nay, giáo viên tiểu học và là mẹ của 3 đứa con này đã có 240 rand trong tài khoản. Cô cho biết thêm, mô hình này rất hiệu quả vì cô dễ dàng đi đến cửa hiệu Five Sisters ở gần nơi ở thay vì đi xa hơn đến một máy ATM, mà ở đó cô có thể gặp nguy hiểm. Cô nói rằng người khác có thể nghĩ cô đến cửa hiệu để mua trứng, mà không biết là cô đi rút tiền.

Khôi Minh (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết