25/06/2008 - 08:35

Diễn biến mới trên chính trường Pakistan

Những người ủng hộ ông Sharif biểu tình ở Lahore.

Ngày 23-6, Tòa thượng thẩm thành phố Lahore ra phán quyết truất quyền tranh cử vào quốc hội của ông Nawaz Sharif, Chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N), trong cuộc bầu cử bổ sung vào ngày 26-6 tới. Trong khi chính trường Pakistan chìm sâu vào khủng hoảng, động thái này càng khiến cho cuộc tranh giành quyền lực giữa đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền, PML-N và Liên đoàn Hồi giáo-Quaid (PML-Q) thân Tổng thống Pervez Musharraf diễn biến phức tạp hơn.

Trở về Pakistan tháng 11 năm ngoái sau 8 năm sống lưu vong, ông Sharif không che giấu ý định lật đổ Tổng thống Musharraf. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2, ông Sharif bị cấm tranh cử vì phán quyết của tòa năm 1999 nói ông có liên quan đến vụ cướp máy bay của ông Musharraf (khi đó là Tổng tư lệnh quân đội), dẫn đến việc ông Musharraf đảo chính lật đổ Thủ tướng Sharif. Người phát ngôn PML-N Siddiqul Farooq tố cáo quyết định của tòa thượng thẩm dựa trên một âm mưu chính trị và người đứng sau là Tổng thống Musharraf. PML-N cho rằng đây là đòn tấn công phủ đầu của Tổng thống Musharraf nhằm ngăn cản ông Sharif trở lại quốc hội. Những người ủng hộ ông Sharif lập tức xuống đường biểu tình để phản đối quyết định này.

Việc ông Sharif bị tước quyền tranh cử cũng làm nhiều người lo ngại về mối quan hệ vốn không suôn sẻ giữa PML-N và PPP (của cố Thủ tướng Benazir Bhutto, hiện do chồng bà là Asif Ali Zardari làm chủ tịch). Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2, PML-N về nhì sau PPP và hai bên liên kết thành lập chính phủ. Tuy nhiên, 6 tuần sau, PML-N rút toàn bộ 11 bộ trưởng của mình khỏi nội các vì cho rằng ông Zardari không giữ đúng cam kết về việc phục chức cho các thẩm phán bị Tổng thống Musharraf sa thải hồi cuối năm 2007. Ông Sharif muốn mượn tay các thẩm phán này để tiến hành luận tội Tổng thống Musharraf, trong khi ông Zardari lo sợ các thẩm phán được phục chức sẽ lật lại vụ tham nhũng của ông thời bà Bhutto còn làm thủ tướng.

Để tránh sức ép từ phía PML-N về vấn đề phục chức cho các thẩm phán mà vẫn có thể buộc Tổng thống Musharraf từ chức, ông Zardari cho biết sẽ sớm chỉ định người của PPP làm ứng viên thay thế vị trí của ông Musharraf. Tuy nhiên, ông Zardari không nói sẽ lật đổ tổng thống bằng cách nào.

Về lý thuyết, ông Musharraf sẽ giữ chức tới năm 2012, nhưng từ khi PML-Q thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, số phận của ông được tính bằng ngày. Tổng thống Musharraf tuyên bố sẽ không từ chức và thách thức quốc hội về việc luận tội ông vì thực tế phe chống đối chưa nắm đủ đa số phiếu cần thiết. Niềm tin của ông Musharraf dựa vào 2 yếu tố chính, đó là quân đội và đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh liên minh cầm quyền “đánh hội đồng” Tổng thống Musharraf, Washington cũng đang tự tìm cách tạo khoảng cách với đồng minh này. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói rằng việc từ chức của ông Musharraf là “vấn đề nội bộ” và vị tướng này từng “phạm một số sai lầm” trong 8 năm cầm quyền, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp hồi cuối năm ngoái.

N.MINH (Theo PTI, ANI, Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết