23/02/2008 - 10:49

Diễn biến mới trên chính trường Pakistan

Hai ông Nawaz Sharif (giữa) và Asif Ali Zardari (trái) trong buổi họp báo hôm 21-2. Ảnh: AP

Hai đảng đối lập chính giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở Pakistan hồi đầu tuần này là đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cố Thủ tướng Benazir Bhutto và Liên đoàn Hồi giáo-N (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawar Sharif vừa đạt được thỏa thuận thành lập liên minh sau cuộc đàm phán hôm 21-2. Động thái trên cho thấy tương lai chính trị của đương kiêm Tổng thống Pervez Musharraf, một đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, càng mờ mịt hơn sau thất bại nặng nề của đảng Liên đoàn Hồi giáo-Q (PML-Q) ủng hộ ông.

Washington từng hy vọng ông Musharraf sẽ có phần trong một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Pakistan. Bởi hai nhiệm kỳ tổng thống giúp ông tạo dựng được nền tảng quyền lực khá vững vàng với sự hậu thuẫn của quân đội. Điều này hỗ trợ cho Mỹ rất nhiều trong “chiến dịch chống khủng bố” 6 năm qua ở Nam Á. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo mới đây, Chủ tịch PPP Asif Ali Zardari (chồng bà Bhutto) và cựu Thủ tướng Sharif bác bỏ hoàn toàn khả năng về một thỏa thuận như vậy. Cả hai đều tỏ thái độ chống đối mạnh mẽ đối với ông Musharraf, người quyết định trục xuất họ hồi thập niên 1990. Ông Zardari thì bị cáo buộc tham nhũng, phải ngồi tù 8 năm, sau đó sống lưu vong ở Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, rồi đến Mỹ. Còn ông Sharif phải rời đất nước đến Arabie Séoudite sau khi bị Tướng Musharraf, khi đó là Tư lệnh quân đội, đảo chính.

Trước tình hình hiện nay, Mỹ cũng giảm dần niềm tin vào vị tổng thống lâu nay “kề vai sát cánh” với họ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á Richard Boucher cho biết Washington sẽ hợp tác với bất cứ chính phủ mới nào ở Pakistan. Hai Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Biden và John Kerry thậm chí còn kêu gọi Nhà Trắng rút lại sự ủng hộ dành cho ông Musharraf. Các nhà phân tích cho rằng ông Musharraf có thể sẽ trở thành nhà lãnh đạo không có thực quyền, thậm chí mất chức. Theo khảo sát của Viện Cộng hòa Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, 70% người dân Pakistan cho rằng ông Musharraf nên từ chức.

Tuy nhiên, liên minh mới một khi được thành lập cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Ngoài việc từng là đối thủ của nhau, PPP đang đi theo đường lối trung tả, trong khi PML-N thiên về chủ nghĩa bảo thủ Hồi giáo. Và ngay cả khi liên thủ, PPP và PML-N vẫn chưa chiếm đủ 2/3 số ghế ở Hạ viện để có thể tiến hành luận tội tổng thống. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng họ sẽ phải liên minh với một số đảng nhỏ hơn để thành lập chính phủ và đủ để kiểm soát Thượng viện. Hiện PML-Q ủng hộ ông Musharraf vẫn đang chiếm ưu thế ở Thượng viện.

Việc đề cử người vào cương vị thủ tướng cũng là vấn đề lớn đối với liên minh. Cả chồng và con trai bà Bhutto, dù đang giữ cương vị đồng chủ tịch PPP, đều không đủ tư cách làm thủ tướng bởi không phải là nghị sĩ. Trong khi đó, ông Sharif của PML-N cũng không có chân trong quốc hội. Do vậy, chức thủ tướng có thể sẽ thuộc về một nhân vật ít có ảnh hưởng tại Pakistan là Phó chủ tịch PPP Makhdoom Amin Fahim.

• N.MINH (Theo IHT, Guardian, AFP)

• N.MINH (Theo IHT, Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết