20/06/2023 - 09:22

Điểm yếu của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương 

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Sự kiên định của Papua New Guinea trong hiệp ước an ninh mới báo hiệu sự hiện diện lớn hơn của Mỹ, nhưng đây cũng là một bước lùi đối với Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương.

Quân đội Mỹ có thể củng cố các cơ sở ở Guam nhờ tăng cường tiếp cận các căn cứ tại Papua New Guinea.

Quân đội Mỹ có thể củng cố các cơ sở ở Guam nhờ tăng cường tiếp cận các căn cứ tại Papua New Guinea.

Theo thỏa thuận ký hồi tháng 5, Mỹ được quyền tiếp cận “không hạn chế” 6 cảng và sân bay quan trọng của Papua New Guinea, cũng như “sử dụng độc quyền” nhiều khu vực vì mục đích xây dựng và phát triển. Một số điều khoản còn mở ra cơ hội để Washington thiết lập hiện diện quân sự tại một cảng nước sâu có giá trị chiến lược, tăng cường thế trận phòng thủ của quân đội trong “chuỗi đảo thứ 2” ở Thái Bình Dương, từ đó mở rộng năng lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Trước đó, phe đối lập Papua New Guinea chỉ trích chính phủ của Thủ tướng James Marape theo đuổi thỏa thuận với Mỹ có thể dẫn tới bất hòa với Trung Quốc. Trong động thái trấn an, chính quyền Port Moresby đảm bảo mối quan hệ với đối tác thương mại số 2 sẽ không bị tổn hại. Thủ tướng Marape nói thêm, Bắc Kinh hiểu Papua New Guinea ưu tiên họ hơn Đài Loan, và điều này phục vụ lợi ích quốc gia chứ không phải mối quan tâm địa chính trị hay vì mỗi lợi ích của Trung Quốc.

Ảnh hưởng thực sự của Trung Quốc

Trong nhiều thập kỷ, Úc là đối tác an ninh chính của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, gần đây có thêm sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc khi cả 2 cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng chính trị, kinh tế và an ninh. So với thái độ ban đầu có phần lơ là của Washington, Bắc Kinh những năm qua liên tục tăng cường hiện diện ở khu vực.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng nỗ lực của Trung Quốc đến nay vẫn còn hạn chế trong phạm vi khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản. Đặc biệt, từ các tuyên bố của Papua New Guinea nói trên, giới chuyên môn cho rằng Bắc Kinh ngoài thương mại thì vẫn chưa đạt được bước tiến lớn nào khác. Điều này thể hiện qua việc cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bỏ lỡ mục tiêu ký thỏa thuận hợp tác về an ninh trong chuyến công du 8 quốc gia khu vực vào năm ngoái.

Stewart Firth, nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc, cho rằng Trung Quốc có thể đã hiểu sai truyền thống lâu đời giữa các đảo quốc Nam Thái Bình Dương là chủ nghĩa phối hợp. Bởi dù chỉ là những quốc gia nhỏ nhất thế giới, các nước khu vực cũng muốn chứng tỏ họ có thể đứng vững trước các siêu cường. Đây là lý do vì sao nói rằng sẽ rất khó cho Trung Quốc nếu muốn dùng ảnh hưởng để các nước thay đổi quan điểm - Phó Giám đốc Henry Ivarature tại Đại học An ninh Thái Bình Dương của Úc nhận định.

Thực tế này được phản ánh qua việc Bắc Kinh chưa thể giành sự đồng thuận từ 10 quốc đảo Nam Thái Bình Dương đối với “tầm nhìn phát triển chung”, bao gồm các đề xuất an ninh. Ngược lại, nhiều quốc gia khu vực vốn có quan hệ đồng minh với Mỹ và Đài Loan đã tăng cường hành động chung để giải quyết các thách thức liên quan Bắc Kinh, chẳng hạn như vấn nạn đánh bắt trái phép của ngư dân đại lục. Gần đây, nhiều nước Nam Thái Bình Dương còn tỏ thái độ không hoan nghênh sự hiện diện của tàu Trung Quốc. Đơn cử như Palau, đảo quốc này đã tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ để ngăn chặn “các hoạt động không mong muốn” của tàu Trung Quốc xung quanh bờ biển.

Chia sẻ bài viết