10/03/2020 - 00:29

Dịch COVID-19: Hàn Quốc, Thái Lan phạt nặng người che giấu thông tin, trốn cách ly 

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 9-3 cảnh báo bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đều sẽ bị phạt nếu che giấu thông tin lịch sử đi lại, nơi cư trú hay các thông tin quan trọng khác.

Pháp vừa quyết định cấm các sự kiện tụ tập trên 1.000 người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Kim Ganglip, chính phủ nước này có thể áp đặt mức phạt tối đa lên tới 10 triệu won (8.296 USD) nếu bệnh nhân không khai báo trung thực về lịch sử đi lại với giới chức y tế. Quyết định trên được đưa ra sau khi một bệnh nhân nữ, 78 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện Baik ở thủ đô Seoul có kết quả dương tính với COVID-19, song nhiều lần đưa ra thông tin sai lệch về nơi ở cũng như thông tin khác.

Giới chức bệnh viện Baik cho biết nữ bệnh nhân, sống ở thành phố Daegu, Tây Nam Hàn Quốc, hiện đang là “ổ dịch” của quốc gia Đông Bắc Á này, đã che giấu thông tin nơi ở do trước đó đã không được nhập viện ở một bệnh viện đa khoa tại Seoul. Hiện phòng cấp cứu của bệnh viện Baik phải đóng cửa tạm thời kể từ ngày 8-3. Lực lượng chức năng đang kiểm tra hồ sơ bệnh nhân cũng như camera an ninh để xem những ai đã từng tiếp xúc. Toàn bộ bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện Baik từng tiếp xúc với bệnh nhân này đã tự cách ly và sẽ phải lấy mẫu thử COVID-19.

Trong khi đó, nhà chức trách y tế Thái Lan đã yêu cầu một nhóm khoảng 80 lao động vừa trở về từ Hàn Quốc nhưng trốn quy trình sàng lọc tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi hôm 7-3 phải ra trình diện trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ bị truy tố theo Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm.

Thứ trưởng Y tế Sathit Pitutecha cho biết nhà chức trách đã có hồ sơ nhận dạng, thông tin liên hệ của nhóm người này và có thể tìm ra họ. Do đó, những người này cần ra trình diện các quan chức y tế cấp tỉnh trong vòng 3 ngày. Nếu không hợp tác và bị bắt giữ, những người này sẽ phải đối mặt án tù 1 năm và mức phạt lên tới 200.000 baht (6.330 USD).

Tại Thái Lan cho tới nay đã ghi nhận 50 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Trước tình trạng thiếu khẩu trang trầm trọng tại các bệnh viện công, Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) đã thông báo ngừng bán khẩu trang cho công chúng và chuyển số hàng họ có cho các bệnh viện. Chính phủ Thái Lan thông qua Bộ Thương mại đã quyết định nắm quyền kiểm soát sản xuất khẩu trang, yêu cầu các nhà máy phải cung cấp 45% sản lượng (600.000 chiếc mỗi ngày) cho trung tâm phân phối của nhà nước, trong khi phần còn lại sẽ do các nhà máy tự phân phối.

Thái Lan hiện có 11 nhà máy sản xuất khẩu trang trên toàn quốc. Các nhà máy này đang tăng sản lượng từ 36 triệu chiếc/tháng lên 38 triệu chiếc/tháng. Hôm 5-3, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đã thông qua lệnh ấn định giá bán khẩu trang trong nước là 2,5 baht/chiếc. Lệnh này có hiệu lực từ 9-3 và sau đó nếu ai bán khẩu trang với giá cao hơn giá ấn định sẽ phải đối mặt với án 5 năm tù giam và/hoặc mức phạt 100.000 baht.

Tổng thống Philippines tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp     

Ngày 9-3, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh hành chính và tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn quốc, sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận ca lây nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong cộng đồng.

Tính đến chiều 9-3, Philippines ghi nhận 10 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca tử vong.

Trước đó, ngày 7-3, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp là động thái “kêu gọi phòng ngừa để đảm bảo các cấp chính quyền trung ương và địa phương, các cơ sở y tế công và tư có thể chuẩn bị ứng phó khả năng gia tăng các trường hợp lây nhiễm và nghi nhiễm”. Việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp sẽ tạo điều kiện huy động các nguồn lực, nới lỏng các quy trình, trong đó có quy trình mua sắm các mặt hàng hậu cần thiết yếu.

Triều Tiên cách ly 10.000 người

Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên, tính đến ngày 9-3, Triều Tiên đã cách ly khoảng 10.000 người nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 và cho đến nay 40% trong số này đã được trở về do không có triệu chứng nhiễm bệnh sau thời gian cách ly.

Mặc dù không ghi nhận sự bùng phát dịch COVID-19, khởi phát từ quốc gia láng giếng Trung Quốc từ cuối tháng 12 năm ngoái, song Triều Tiên vẫn tăng cường nỗ lực chống dịch bệnh thông qua việc thắt chặt quy định đi lại tại các đường biên, thực hiện nghiêm túc các thủ tục và quy định cách ly.

Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 9-3, một số đại sứ quán ở Triều Tiên đã đóng cửa trong bối cảnh nhiều nhà ngoại giao trở về nước sau nhiều tuần Bình Nhưỡng áp đặt những quy định cách ly nghiêm ngặt để tránh sự lây lan của  SARS-CoV-2.

Mặc dù Triều Tiên chưa xác nhận ca mắc COVID-19 nào, song đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt về cách ly. Biện pháp này cũng khiến hàng trăm người nước ngoài, bao gồm các nhà ngoại giao, bị cô lập tại trụ sở riêng của họ. Những hạn chế đó cuối cùng đã được gỡ bỏ vào tuần trước sau hơn một tháng, trong đó hơn 200 người nước ngoài được phép rời khỏi Triều Tiên.

Kể từ giữa tháng 2 vừa qua, Triều Tiên đã tăng gấp đôi thời gian cách ly lên 1 tháng đối với những người có nguy cơ nhiễm dịch. Với những người có thể đã tiếp xúc với những người trở về từ nước ngoài sẽ tự cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở được chỉ định ít nhất 40 ngày.

Các nhà nghiên cứu Israel phát triển vaccine
Ngày 8-3, Đại học Bar Ilan (BIU) cho biết các nhà nghiên cứu của Israel đang phát triển một loại vaccine phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra.
Theo tuyên bố của BIU, các nhà khoa học của trường này đang phát triển một hệ thống virus vô hại chứa nhiều thành phần khác nhau - như protein vỏ của SARS-CoV-2, để thử nghiệm phản ứng của chúng đối với các chất và hiệu quả của vaccine. Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của một công ty dược chuyên sản xuất vaccine của Thụy Điển.
Bên cạnh việc điều chế vaccine, nghiên cứu của BIU cũng góp phần tìm ra các nhân tố giúp ngăn chặn lây nhiễm.

P.V (TTXVN)

Chia sẻ bài viết