12/05/2009 - 21:04

Phòng thuốc từ thiện Hưng Định Tự

Địa chỉ quen thuộc của người nghèo

Nằm trong khuôn viên của Hưng Định Tự-người dân quen gọi là chùa Cư Sĩ - (34 Đại lộ Hòa Bình, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), phòng thuốc nam từ thiện được xây dựng và đưa vào hoạt động tại đây từ năm 1954. Tính đến nay, đã có hơn nửa thế kỷ, nơi đây là địa chỉ khám chữa bệnh quen thuộc của đông đảo bà con nghèo gần, xa.

Những tấm lòng nhân ái

Thuốc nam được các thành viên tham gia công tác từ thiện tại chùa tìm, xắt, phơi để phòng thuốc cấp phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo.  

Theo lời của ông Ngô Văn Bé-nguyên Trưởng Ban trị sự Hưng Định Tự-phòng thuốc nam của Hưng Định Tự được thành lập từ những năm 1946 và hoạt động tại nhà của các cư sĩ. Sau hai lần dời đổi, đến năm 1954 thì dời về Cần Thơ và có địa điểm hoạt động ổn định tại 34 Đại lộ Hòa Bình cho đến nay. Hiện, phòng thuốc thuộc sự quản lý của Hội Đông y phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đang quy tụ số lượng thuốc nam lên đến hàng tấn, với nhiều loại khác nhau, từ nhiều nơi, nhiều nguồn. Phần lớn số thuốc này do ban sưu tầm thuốc nam chịu trách nhiệm tìm kiếm và quy tập về cho phòng thuốc. Ngoài ra, có một số loại thuốc quý hiếm, nhà chùa phải bỏ tiền ra mua hoặc thuê người trồng.

Phòng thuốc ngày càng phát huy khả năng chữa bệnh cho người nghèo, tạo được uy tín, tiếng lành đồn xa là nhờ vào sự đóng góp công sức của không ít những tấm lòng từ thiện. Để xử lý hàng trăm ký thuốc nam hàng ngày, phòng thuốc nhờ có sự giúp sức của khoảng 15 người, đến từ các phường, xã, quận, huyện khác nhau trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đến khu vực chặt thuốc, không khí vui vẻ, ấm áp như lan tỏa khắp gian nhà. Những người chặt thuốc ở đây không giới hạn trình độ, lứa tuổi. Chỉ khi đến đây được vài lần, trò truyện với các cô chú, anh chị, tôi mới được biết có những người đã quá lục tuần như cô Tư, 68 tuổi, hay cô Út, 65 tuổi có thời gian phục vụ tại phòng thuốc nam đã nhiều năm, hay có những người chỉ mới tham gia được vài tháng... tất cả đều rất vui vẻ, hòa đồng và hết mình với công việc tại phòng thuốc. Khi tôi đề cập đến thù lao chặt, chở thuốc thì các cô chú ở đây cười, nói: “Chủ yếu là tấm lòng nên chúng tôi đến đây làm việc không cần trả thù lao, ngược lại, công việc ở đây còn là niềm vui của chúng tôi”. Các cô chú cho biết, công việc tại phòng thuốc không quy định thời gian, khi nào rảnh rỗi thì tới. Thông thường các cô chú sắp xếp công việc gia đình xong thì đến đây phụ giúp phòng thuốc. Chị Tám, cư ngụ ở đường Trần Phú, phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ nói: “Chị cũng như nhiều người khác đến đây phụ giúp, chỉ vì muốn tận dụng thời gian để làm công tác xã hội, chứ chẳng có yêu cầu gì cả!”.

Ngoài ra, hoạt động của phòng thuốc không thể thiếu sự góp sức của các y sĩ trực tiếp chẩn mạch, bốc thuốc cho bệnh nhân. Phòng thuốc hiện nay có 4 người chịu trách nhiệm bốc thuốc, 2 người chẩn mạch và một người châm cứu. Hầu hết các y sĩ đều đã được đào tạo và được Sở Y tế kiểm tra, chứng nhận tay nghề. Trò chuyện với tôi, y sĩ Nguyễn Thị Tú cho biết, chị đã làm việc ở đây từ năm 1979, lúc mới 19 tuổi. Tháng 10-1988, chị được Ban Y tế phước thiện quận Cái Răng khảo sát và chứng nhận có đủ tay nghề bốc thuốc cho bệnh nhân. Đến năm 1996, chị đạt loại khá lớp “Bồi dưỡng lương y thừa kế” do Hội Y học cổ truyền Việt Nam huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang tổ chức. Là người trực tiếp cấp phát thuốc, chị cho biết phòng thuốc phát miễn phí trung bình mỗi ngày cho hơn 100 bệnh nhân, có hôm lên đến trên 160 bệnh nhân. Chị Tú được xem là người gắn bó lâu đời trong công tác này, gắn bó với chùa và phòng thuốc nam đã 30 năm nay, vì vậy chị đã xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình.

Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng Ban trị sự Hưng Định Tự, cho biết: “Nguồn tài chính của chùa chủ yếu là số tiền đóng góp của các nhà hảo tâm quyên góp vào thùng phước thiện tại chùa. Cũng có khi thiếu hụt thì các thành viên trong Ban trị sự của chùa tự nguyện đóng góp vào. Số tiền ấy dùng để mua thuốc cho phòng thuốc khi cần, chi sinh hoạt phí cho các nhân viên công tác tại phòng thuốc và một số khoản khác”.

Địa chỉ quen thuộc của người nghèo

Các loại thuốc nam của phòng thuốc Hưng Định Tự trước khi đến tay người sử dụng phải qua rất nhiều công đoạn, từ sưu tập, tìm kiếm đến thu thập về rồi chặt, phơi, sao, sàng lọc, kiểm nghiệm hợp vệ sinh. Mỗi ký thuốc khô được làm ra từ 5 ký thuốc tươi. Tất cả các loại thuốc đưa vào sử dụng ở đây đều được Hội Đông y công nhận tính dược. Trung bình mỗi ngày phòng thuốc phát ra khoảng 500 thang thuốc, cho khoảng hơn 100 bệnh nhân.

Phòng phát thuốc nam miễn phí ở chùa cư sĩ, nơi thường xuyên tìm đến của bệnh nhân nghèo gần, xa.

Ngoài cấp phát thuốc nam cho người nghèo, phòng thuốc còn được trang bị các dụng cụ hỗ trợ vật lý trị liệu cho bệnh nhân như: phương tiện châm cứu, máy massage,... Các loại phương tiện trị bệnh đều được xử lý an toàn cho mỗi lượt chữa bệnh. Được biết, hiện nay phòng thuốc có 3 máy châm cứu, phục vụ cho gần 50 lượt bệnh nhân mỗi ngày.

Bệnh nhân của phòng thuốc phần lớn là bà con đến từ 9 quận, huyện của thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, có khoảng 20-30% bệnh nhân đến từ các tỉnh bạn như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và Vĩnh Long. Bệnh nhân thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, điều trị các loại bệnh như viêm khớp, nhức mỏi, nóng gan... Khi chúng tôi đến đây, có nhiều người đang chờ tới lượt chẩn mạch và nhận thuốc. Trong số nhiều bệnh nhân có bà Lê Thị Khoa, ngoài 60 tuổi, ngụ ở đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, đến phòng thuốc châm cứu và nhận thuốc trị nhức mỏi; anh Lê Minh Tuấn, quê ở Sóc Trăng đến đây hốt thuốc trị bệnh gan đã gần một tháng... Hầu hết các bệnh nhân mà tôi đã gặp tại đây đều có chung nhận xét: “Các y sĩ ở đây rất vui vẻ, tận tình với bệnh nhân, hốt thuốc tại đây không hề tốn bất kỳ một khoản phí nào”.

Nói về phòng thuốc nam từ thiện của Hưng Định Tự, ông Phạm Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm phụ trách thường trực Hội Đông Y phường An Cư, cho biết: “Phòng thuốc có uy tín đối với nhiều người dân do sự tận tình trong công tác khám chữa bệnh và tâm huyết đối với nghề của các y sĩ. Bên cạnh đó, phòng thuốc đã góp phần giải quyết được phần lớn số lượng bệnh nhân cho các bệnh viện”. Ông còn cho biết, chỉ trong quý I năm 2009, phòng thuốc đã khám chữa bệnh cho tổng số 2.595 bệnh nhân, cấp phát 20.092 thang thuốc, trị giá ước tính khoảng trên 5.900.000 đồng. Điều trị bằng phương pháp xông điện cho trên 400 trường hợp và các phương pháp khác là 32 trường hợp.

Từ việc làm thiện nguyện của những người công tác tại phòng thuốc, của bà con làm từ thiện đóng góp cho phòng thuốc, kết hợp với tôn chỉ phước thiện của nhà chùa, phòng thuốc nam của Hưng Định Tự đang là một địa điểm khám chữa bệnh tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo gần xa. Mong thời gian tới, phòng thuốc nam Hưng Định Tự giữ vững truyền thống tốt đẹp này và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của những tấm lòng nhân ái...

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết