21/08/2008 - 23:50

Di sản đầy rắc rối, khó khăn !

Tổng thống Syrie Bashar al-Assad (trái) và Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Từ khi khởi động chiến dịch tranh cử hồi tháng 5 tới nay, hai ứng viên Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa luôn tranh cãi sôi nổi về chính sách đối ngoại, chủ yếu tập trung vào vấn đề Iraq và Afghanistan, 2 cuộc chiến ngốn nhiều tiền của từ người đóng thuế Mỹ. Tuy nhiên, một số diễn biến gần đây cho thấy, đối với chủ nhân tương lai của Nhà Trắng, giải quyết hậu quả chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm George Bush không chỉ là việc tiếp tục duy trì hay rút quân khỏi Iraq và Afghanistan.

Trước hết là những động thái cứng rắn của Nga đối với tham vọng mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mát-xcơ-va. Ngoài việc tấn công quân sự Gruzia; Nga cũng đang xem xét khả năng trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trên tàu chiến (kể cả tàu ngầm) của Hạm đội Baltic tại Kaliningrad - vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa các nước Liên minh châu Âu (EU); dọa tấn công Ba Lan xung quanh việc lắp đặt một phần lá chắn tên lửa của Mỹ ở nước này... Điều đáng nói là Mát-xcơ-va chẳng tỏ ra nao núng khi NATO tuyên bố “không thể có quan hệ bình thường với Nga”, đơn giản vì Nga đang nắm trong tay con bài năng lượng.

Xa hơn nữa là việc Nga có thể tái lập liên minh toàn cầu chống phương Tây cùng với các đồng minh cũ thời Liên Xô. Trong chuyến thăm 2 ngày tới Mát-xcơ-va hôm 20-8, Tổng thống Syrie Bashar al-Assad tuyên bố sẵn sàng để Nga triển khai tên lửa trên lãnh thổ nước này, đồng thời cho phép Nga khôi phục căn cứ hải quân Tartus ở Syrie thời Chiến tranh lạnh, đánh dấu sự trở lại của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải sau 2 thập niên. Trước đó, Nga cũng để ngỏ khả năng tái hiện diện quân sự ở Cuba để đáp trả sức ép chính trị và quân sự từ phương Tây. Rõ ràng, người kế nhiệm ông Bush khó tránh khỏi một cuộc Chiến tranh lạnh mới với Nga.

Thứ hai là việc Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf, đồng minh quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, vừa từ chức vì nhiều vấn đề nội bộ. Điều này chắc chắn gây khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, vốn đang chuyển trọng tâm từ Iraq sang Afghanistan, mà khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan được xem là nơi trú ẩn an toàn của bọn khủng bố. Một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Mỹ nhận xét: “Pakistan có lẽ là vấn đề khó khăn nhất mà tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ phải đối mặt. Bởi vì Pakistan vừa là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, ví như vụ ám sát bà cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, vừa là “thiên đường an toàn” cho khủng bố”. Tổng thống Mỹ George Bush đang nỗ lực làm việc với chính quyền mới của Pakistan, nhưng thách thức với người kế nhiệm ông Bush là rất lớn khi làn sóng chống Mỹ đang bùng phát ở Pakistan. Ông Bush quả là đã để lại cho người kế nhiệm một di sản đầy rắc rối, khó khăn!

N.MINH (Theo Wall Street Journal, BBC)

Chia sẻ bài viết