07/02/2023 - 11:33

Di sản của cố Tổng thống Musharraf 

HẠNH NGUYÊN

Hãng Reuters ngày 5-2 đưa tin cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf qua đời tại một bệnh viện ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), sau thời gian dài bị bệnh, thọ 79 tuổi.

Ông Musharraf (trái) thăm Nhà Trắng năm 2006. Ảnh: AFP

Trong cuộc phỏng vấn với Ðài Al Jazeera năm 2014, khi được hỏi liệu ông có hối tiếc điều gì trong thời gian lãnh đạo đất nước, cựu Tổng thống Musharraf trả lời “không”. “Tôi đã làm nhiều điều cho đất nước và nhân dân Pakistan”, vị tướng 4 sao khẳng định. Nhưng đối với nhiều người Pakistan, ông Musharraf để lại một di sản phức tạp.

Ông Musharraf sinh ra ở thủ đô New Delhi của Ấn Ðộ vào năm 1943. Khi Tiểu lục địa Ấn Ðộ bị tách thành Ấn Ðộ và Pakistan năm 1947, ông Musharraf cùng gia đình rời New Delhi đến Karachi (Pakistan). Năm 1961, ông gia nhập quân đội và nhanh chóng được thăng cấp. Năm 1998, Thủ tướng Pakistan khi đó là Nawaz Sharif bổ nhiệm ông Musharraf làm tổng tham mưu trưởng quân đội.

Nhưng vào tháng 10-1999, ông Musharraf bắt ông Sharif và nắm quyền lực sau cuộc đảo chính không đổ máu của quân đội. Sau khi chính thức trở thành tổng thống năm 2001 sau một cuộc trưng cầu dân ý bị cáo buộc gian lận, các đảng thân ông Musharraf giành nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử trong năm 2002.

Cuộc chiến chống khủng bố

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ, Pakistan dưới thời ông Musharraf chọn hợp tác với Washington và hỗ trợ chiến dịch lật đổ phong trào Hồi giáo Taliban tại Afghanistan, đồng minh của tổ chức khủng bố al-Qaeda (thủ phạm vụ 11-9). Sự hỗ trợ này bao gồm mở các tuyến đường bộ để lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tiến vào Afghanistan, cho phép Mỹ lập các căn cứ không quân và gửi binh sĩ Pakistan đến các khu vực bộ lạc ở phía Bắc để đẩy lùi al-Qaeda và các “chân rết”.

Arif Rafiq, Chủ tịch công ty đánh giá rủi ro chính trị Vizier Consulting (New York, Mỹ), cho rằng vụ 11-9 đã giúp Tổng thống Musharraf “hợp pháp hóa” quyền lãnh đạo của ông trước quốc tế. “Khi nói về việc chống al-Qaeda, ông Musharraf là đồng minh rất đáng tin cậy, tới mức ông ta chấp nhận mạo hiểm an ninh của đất nước và bản thân mình”, Rafiq nhận định.

Cuộc chiến chống khủng bố cũng đã chứng kiến số vụ mất tích tăng cao tại Pakistan, nhất là ở các tỉnh Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa. Trong cuốn tự truyện mang tên “In the line of fire” (tạm dịch: Dưới làn đạn), ông Musharraf thừa nhận đã bắt giữ các đối tượng bị nghi là thành viên al-Qaeda để rồi giao nộp cho Mỹ và nhận “nhiều triệu USD tiền thưởng”. Ông Rafiq cho rằng những vụ mất tích này là “một phần trong di sản lâu dài của cựu Tổng thống Musharraf”. Theo Tiến sĩ Rabia Akhtar tại Ðại học Lahore (Pakistan), kết quả của việc ông Musharraf tham gia cuộc chiến chống khủng bố là “sự tàn phá” đối với Pakistan.

Sa sút

Vào tháng 3-2007, Tổng thống Musharraf sa thải Bộ trưởng Tư pháp Iftikhar Muhammad Chaudhry, dẫn tới làn sóng phản đối dữ dội từ dân chúng. Bốn tháng sau, ông lại vướng vào một bê bối khác, liên quan vụ bắt cóc nhiều ngày tại Thánh đường Lal Masjid ở thủ đô Islamabad. Sau những nỗ lực đàm phán bất thành với lực lượng chống đối trong thánh đường, Tổng thống Musharraf đã ra lệnh mở chiến dịch quân sự nhằm giải cứu con tin, khiến khoảng 100 người thiệt mạng.

Sự cố trên là “chất xúc tác” cho sự trỗi dậy của tổ chức Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), còn gọi là Taliban Pakistan. TTP đến nay đã gây ra hàng trăm vụ tấn công đẫm máu tại quốc gia Nam Á này.

Tháng 11-2007, ông Musharraf quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với sự gia tăng bạo lực do các tay súng Hồi giáo gây ra và điều mà ông cho là sự tê liệt của chính phủ do can thiệp của bộ máy tư pháp. Ông tuyên bố đình chỉ hiến pháp, cho triển khai binh lính ở thủ đô, đồng thời tiến hành bố ráp nhiều nhân vật đối lập. Năm 2008, phe đối lập thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội và rục rịch điều tra luận tội, buộc ông Musharraf phải tuyên bố từ chức sớm vào tháng 8 cùng năm để không bị luận tội.

Sau khi từ chức, ông Musharraf rời Pakistan đến sống lưu vong ở Luân Ðôn (Anh) và quay về nước tham gia cuộc tổng tuyển cử vào năm 2013. Ông Musharraf sang Dubai chữa bệnh từ năm 2016 rồi ở lại lâu dài với lý do an ninh và tình trạng sức khỏe. Ðến năm 2019, tòa án đặc biệt tại Pakistan tuyên án tử hình ông vì tội làm phản khi đình chỉ hiến pháp và ban bố tình trạng khẩn cấp tại Pakistan năm 2007. Tuy nhiên, tòa thượng thẩm ở Lahore sau đó đã hủy bỏ bản án.

Mặc dù giới phân tích cho rằng di sản của ông Musharraf phần lớn là tiêu cực, vị này cũng được ca ngợi vì các chính sách đối nội, bao gồm bảo vệ quyền phụ nữ và lần đầu tiên cho phép các kênh tin tức tư nhân hoạt động. Trong thời gian ông điều hành đất nước, Pakistan đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và cố gắng thúc đẩy các giá trị tự do xã hội. Trong khi đó, cải thiện quan hệ với nước láng giềng Ấn Độ được cho là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại “lớn nhất” của ông Musharraf trong giai đoạn ông làm tổng thống Pakistan.

Chia sẻ bài viết