13/10/2024 - 08:37

Di sản châu Phi của ông Biden 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng không thể thực hiện chuyến thăm được lên lịch tới Angola, vốn dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 15-10, để ở lại giám sát và sẵn sàng công tác ứng phó siêu bão Milton tấn công nước Mỹ.

Tổng thống Angola Lourenço (trái) và Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng hồi tháng 11-2023. Ảnh: WSJ

Lỡ hẹn chuyến công du lịch sử

Vì sự cố thiên nhiên trên, ông Biden cũng hoãn chuyến thăm dự kiến đến Ðức trong 3 ngày trước khi qua Angola.

Phát biểu với báo giới Mỹ hôm 8-10 nhằm đưa ra thông báo hoãn chuyến thăm Ðức và Angola, ông Biden vẫn tuyên bố sẽ tìm ra thời điểm thích hợp để thăm châu Phi và Ðức trong quãng thời gian ít ỏi còn lại của nhiệm kỳ.

Thật ra, giới phân tích tin rằng ông Biden khó thực hiện mục tiêu của mình trong thời gian 3 tháng còn lại.

Và như vậy, nhà lãnh đạo Mỹ nhiều khả năng không thực hiện được lời hứa vài tháng trước đó rằng Angola sẽ là quốc gia châu Phi đầu tiên và duy nhất ông tới thăm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đồng thời ông cũng sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Mỹ đến châu Phi kể từ chuyến thăm Kenya và Ethiopia của cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2015.

Bình luận vì sự lỡ hẹn của ông Biden tại Angola, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc cho rằng quyết định hoãn chuyến thăm mang tính biểu tượng của ông Biden thật ra đã phơi bày sự thờ ơ và thiếu tầm nhìn phát triển của Mỹ dành cho châu Phi trong bối cảnh Mỹ vẫn tập trung tranh giành ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc.

Tham vọng của Mỹ tại Angola

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden sẽ đến thăm thủ đô Luanda để ăn mừng kế hoạch xây dựng Hành lang Lobito, tuyến đường sắt trị giá 1 tỉ USD do Mỹ tài trợ, nối quốc gia giàu dầu mỏ này với các tuyến đường sắt đến Ấn Ðộ Dương. Hành lang Lobito chủ yếu là mạng lưới đường sắt kết nối 3 quốc gia Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Zambia, được chia thành 2 phần, gồm tuyến chính và tuyến nhánh.

Tuyến chính bắt đầu từ cảng Lobito ở bờ biển Ðại Tây Dương của Angola, đi về phía Ðông qua DRC và cuối cùng đến phía Bắc Zambia. Về cơ bản nó được nâng cấp và cải tạo từ tuyến đường sắt cũ. Trong khi đó, tuyến nhánh là một tuyến quy hoạch hoàn toàn mới. Nó bắt đầu từ mạng lưới đường sắt trong lãnh thổ Angola và kéo dài đến phía Bắc Zambia. Hành lang này được Tổng thống Biden gọi là "khoản đầu tư đường sắt lớn nhất của Mỹ vào châu Phi từ trước đến nay".

Nhà Trắng trong một tuyên bố trước đây cho biết, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa trong chuyến thăm cũng sẽ nhấn mạnh vai trò của việc "tăng cường dân chủ; tăng cường hành động về an ninh khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng sạch; tăng cường hòa bình và an ninh". Còn nhớ, khi tiếp người đồng cấp Angola João Lourenço tại Nhà Trắng hồi tháng 11-2023, Tổng thống Biden từng nói rằng châu Phi "cực kỳ quan trọng", trong khi "không có quốc gia nào quan trọng hơn Angola".

Từ khi nhậm chức năm 2021, ông Biden đối mặt với một số chỉ trích vì không đến thăm châu Phi sớm hơn trong nhiệm kỳ của mình, sau khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi tại Washington vào tháng 12-2022. Thay vào đó, Bộ trưởng Quốc phòng  Lloyd Austin, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến châu Phi năm 2023, trong khi Ngoại trưởng Antony Blinken thăm lục địa đen hồi đầu năm nay.  Giới ngoại giao châu Phi vẫn nhắc chuyện cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên gọi các nước châu Phi là “những quốc gia tồi tệ”.

Theo giới phân tích, chuyến thăm dự kiến của ông Biden cho thấy Angola gần đây đã trở thành một trong những đồng minh mạnh nhất của Mỹ tại châu Phi, đồng thời là dấu hiệu cho thấy 54 quốc gia tại lục địa đen ngày càng được các cường quốc "săn đón", một phần là nhờ nơi đây sở hữu nguồn khoáng sản dồi dào cần thiết cho ô tô điện và các công nghệ vận hành bằng pin khác. Chuyến thăm cũng được coi là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm lôi kéo Angola khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.

Angola trong lịch sử có quan hệ gần gũi với Nga. Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) cầm quyền đã đấu tranh giành độc lập khỏi Bồ Ðào Nha. Song, sau khi giành độc lập vào năm 1975, Angola rơi vào cuộc nội chiến. Liên Xô và Cuba khi đó đã hỗ trợ MPLA. Gần đây, Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Angola và là đối tác chính trong việc đào tạo các tướng lĩnh Angola, nhưng Luanda đã chuyển hướng sang Washington kể từ khi Mát-xcơ-va phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine
năm 2022.

Nguồn khoáng sản dồi dào của Angola cũng thu hút Trung Quốc. Kể từ năm 2000, các ngân hàng Trung Quốc cam kết cho Angola vay 46 tỉ USD, chiếm 25% tổng số cam kết cho vay của họ tại châu Phi. Trong bối cảnh nhiều dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu được tài trợ theo sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc không mang lại lợi nhuận như mong đợi, Bắc Kinh đã chuyển sang các khoản đầu tư nhỏ hơn, xanh hơn và vào cái gọi là "khoáng sản quan trọng" như đồng, coban.

Theo đó, Bắc Kinh thúc đẩy phát triển một trong những đoạn chính của Hành lang Lobito là tuyến đường sắt dài 1.344km nối cảng Lobito với thành phố Luau (phía Ðông Angola). Tuyến đường sắt này là con đường vận chuyển khoáng sản chính trước khi bị đóng cửa trong cuộc nội chiến Angola 1975-2002. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã giúp Angola xây dựng lại con đường thông qua hạn mức tín dụng hỗ trợ bằng dầu mỏ trị giá 1,8 tỉ USD. Các công ty Trung Quốc cũng đồng thời tăng cường nhiều khoản đầu tư giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng để vận chuyển khoáng sản qua lại giữa các cảng thuận lợi. Cụ thể, các công ty con của 2 tập đoàn Jiayou International Logistics và Zijin Mining Group hồi tháng 3 năm ngoái đã công bố khoản đầu tư chung trị giá 363 triệu USD nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng giữa DRC và thành phố Lobito.

Chưa kể, Mỹ và Trung Quốc còn cạnh tranh trong lĩnh vực điện thoại di động của Angola. Năm 2022, Công ty Africell Mobile của Mỹ đã đến Angola, sau đó cũng có mặt tại DRC, Gambia và Sierra Leone. Song, tình hình của Africell Mobile rất khó khăn bởi phải cạnh tranh trực tiếp với Unitel, công ty có quan hệ với "gã khổng lồ" công nghệ Huawei của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang tích cực tìm cách thiếp lập một căn cứ hải quân ở Angola trên bờ biển Ðại Tây Dương - động thái được cho đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Trước đó, Trung quốc đã thành công thiết lập một căn cứ tương tự ở Guinea Xích Ðạo.

Một ít di sản của ông Biden

Di sản của ông Biden chính là nguyện vọng của ông đối với châu Phi như được thể hiện trong Chiến lược châu Phi năm 2022. Tài liệu này lần đầu tiên đưa ra tầm nhìn hiện đại, chiến lược và toàn diện về châu Phi. Trọng tâm của cam kết này là đến năm 2050, châu Phi sẽ là khu vực có các khoáng sản cần thiết để cung cấp năng lượng cho thế giới và sẽ là nền kinh tế hiện đại, có đủ sức mạnh để bỏ phiếu trong các thể chế toàn cầu. Ngoài ra, chiến lược lập luận một cách mạnh mẽ và thuyết phục rằng bất cứ nơi nào các quyết định được đưa ra có tác động toàn cầu, tiếng nói của châu Phi đều có "trọng lượng".

Song, chính quyền Tổng thống Biden không thể hiện thực hóa chiến lược trên. Giới phân tích cho rằng trừ khi và cho đến khi những gì xảy ra ở châu Phi ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, những lời hứa trong chiến lược của ông Biden mới thành hiện thực.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi được tổ chức hồi tháng 12-2022, Tổng thống Biden đã khẳng định rằng ông "hoàn toàn ủng hộ châu Phi" nhưng nhiều người châu Phi coi đó là lời tuyên bố sáo rỗng, bởi trong gần 4 năm tại nhiệm, ông Biden ít khi điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Phi. Chưa kể, ông chỉ tiếp đón một ít lãnh đạo lục địa đen đến thăm Phòng Bầu dục, trong đó gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Angola João Lourenço và Tổng thống Kenya William Ruto, người có chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ hồi tháng 5-2024.

Tổng thống Ruto đã trở thành nhà lãnh đạo châu Phi đầu tiên sau hơn 15 năm có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ. Kenya được coi là thành trì thân Mỹ còn lại từ Chiến tranh Lạnh và là đồng minh tiền tuyến trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở lục địa đen. Vì thế, Mỹ đã chỉ định Kenya là đồng minh lớn đầu tiên ngoài NATO ở châu Phi cận Sahara, giúp Nairobi tiếp cận các khoản vay ưu đãi, kho vũ khí của Mỹ, các cơ hội mới để hợp tác đào tạo đồng thời mang lại cơ hội cho Washington  mở rộng quy mô hoạt động của mình ở châu Phi.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết