17/03/2024 - 08:26

Đi qua ngày mưa 

Truyện ngắn: Khuê Việt Trường


Mỹ lên xe lửa, loay hoay xếp túi xách ở góc giường. Bên ngoài ô cửa của toa tàu là ánh đèn của nhà ga loang từng vệt, có những người đang tiễn đưa nhau. Mỹ thích ra ga, qua cửa soát vé rồi nằm ngủ một giấc trên giường của toa xe, thức dậy là đã tới nơi. Mỹ không thích cảnh phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ ở phòng đợi sân bay, có khi chuyến bay còn bị hoãn, cứ thế mà đợi chờ không biết giờ kết thúc. Đi xe lửa, có khi cả toa tàu chỉ có mỗi một mình, Mỹ chốt cửa lại rồi mở điện thoại, gắn tai nghe, dỗ dành giấc ngủ bằng những bản nhạc quen.

Mỹ nhìn ra ô cửa kính đã nhòa bởi nước mưa hắt vào. Ngoài kia chỉ là những vệt màu loang loáng, còn trên con tàu chuẩn bị lăn bánh này là pha trộn âm thanh của nhân gian. Thành phố đang vào mùa mưa. Những cơn mưa giống như phủ lên thành phố một bức màn đẹp đẽ, với những chiếc áo mưa nhiều màu sắc trên đường, những cửa hàng giăng những tấm bạt che mưa cũng nhiều màu sắc. Mưa làm cho mọi người lười ra đường, thích ở trong nhà. Mưa làm cho ký ức ùa về, dẫu xa lơ xa lắc. Vốn dĩ những cơn mưa luôn làm cho nỗi buồn của con người nhân lên gấp bội, nhưng Mỹ nhìn mưa như thể đang nhìn một cuốn phim chiếu chậm.

Nước mưa chảy trên đường giống như một dòng sông, nhưng dẫu có mưa lớn đến thế thì sân ga vẫn đang đông kín người. Ở nơi này là những phân ly hay một cuộc hành trình hội ngộ, ở nơi này người ta quên mất thành phố đang mưa. Họ đang bận rộn cho cuộc từ ly, bận rộn dán mắt vào màn hình, bận rộn giữ khư khư hành lý... Nghĩ vẩn vơ như thế, tiếng cô phát thanh viên đã vọng trên loa, báo hiệu tàu sắp chuyển bánh.

Điện thoại reo, là Hưng: "Em lên tàu chưa?". Anh lo lắng cho Mỹ, dặn dò đủ điều. Mỹ trả lời: "Em nhớ kỹ anh dặn rồi, tàu chạy rồi đó anh". Mỹ áp tai vào gối, thôi dỗ dành giấc ngủ, sáng mai tàu sẽ đến thành phố phương Nam thật sớm.

Mỹ vốn dĩ không thích những cơn mưa. Mưa nhớ lại một cuộc tình tan vỡ, hằn vết thương đau năm 20 tuổi, sâu mãi trong tâm trí, khó phai nhòa. Phụng, con gái của Mỹ ra đời trong một cuộc tình không thơ mộng nhưng chan đầy nước mắt với Vỹ. Năm đó, Mỹ ngạt thở trước vòng ôm của Vỹ khi hai đứa gặp nhau trong một tiệc cưới. Tiệc cưới ở quê gần như thâu đêm, đồ ăn nhà tự nấu dọn lên, những chàng trai trong xóm cứ tụ nhau đàn hát. Vỹ nói: "Em làm bạn gái anh nghe". Vậy thôi, là thành đôi, giống như cứ lấy những chiếc đũa trong ống tre ra, chọn bất kỳ hai chiếc mà thành đôi. Chưa kịp cưới thì Mỹ mang bầu, chưa kịp cưới thì Vỹ đã bỏ đi, như một cơn giông chiều, theo tiếng gọi của một người phụ nữ lớn tuổi. Mỹ khóc như mưa nhòa trên sông, Vỹ nói: "Anh với em chưa là vợ chồng, em không có quyền gì mà ngăn cản anh hết".

Mỹ sinh ra Phụng, một mình bươn chải nuôi con. Con bé lớn lên lúc nào cũng buồn, ít khi bộc lộ suy nghĩ của mình. Mỹ rời quê lên phố, làm tiếp thị bia kiếm tiền nuôi con ăn học. Mỹ đã sống khốn khó vô cùng tại thành phố, chỉ một mẹ một con. Hằng đêm khi quán đóng cửa, trở về phòng trọ cùng con nhỏ, phố chìm trong đèn vàng, nỗi buồn của Mỹ như sóng biển vỗ ầm qua các ghềnh đá.

Hưng đã dang dở một đời vợ và cũng có một đứa con gái. Anh đem lòng yêu Mỹ nên thường xuyên tới quán Mỹ làm để ủng hộ cô, giúp cô có thêm doanh số. Anh lay động trái tim cô gái đã bầm giập giữa cuộc đời mà chẳng có một bờ vai để dựa. Hôm Mỹ lên cơn sốt, không đi làm, anh tới quán biết được đã tới căn phòng trọ. Không làm gì hết, chỉ đi mua thuốc cho Mỹ uống, nấu nồi cháo hành giải nhiệt. Bà chủ cho thuê nhà tới đòi tiền nhà, anh trả thay cho Mỹ. Anh dắt bé Phụng đi học thay Mỹ, anh đưa bé Phụng ăn những món con bé thích. Đó là một kiểu tình yêu đẹp mà trong cuộc đời nhiều khi quá bi thương, người ta không nhìn thấy. Hưng dang vòng tay rộng của anh đón cả hai mẹ con Mỹ để chở che.

Họ về với nhau khi cả hai đều có một đứa con. Giã từ căn nhà thuê, hai mẹ con Mỹ được ở một nơi chốn ấm êm hơn. Mỹ cũng thôi làm tiếp thị bia, mở một hàng cơm phần, cơm đĩa bán cho công nhân, nói chung là cuộc sống vẹn toàn và hạnh phúc.

Nhưng hạnh phúc của người lớn không phải lúc nào cũng là hạnh phúc của con trẻ. Tình thương mà trước giờ Mỹ chỉ dành cho Phụng, nay san sẻ cho Hằng, con gái của Hưng, cộng thêm cậu con trai của hai vợ chồng vừa đầy tuổi. Đôi khi, Phụng có cảm giác như mình bị bỏ rơi. Ngày xưa, hai mẹ con ngủ chung, thì nay cô bé ngủ một mình. Ngày xưa, có gì Mỹ cũng dành cho riêng Phụng, thì nay dành cho Hằng và cả cậu em bé nhỏ. Con bé có cảm giác như mình bị bỏ rơi. Và thế là một hôm, chỉ vì mấy lời to tiếng của mẹ trong cơn giận dữ, thay vì ngồi khóc ở góc nhà, Phụng đã lẳng lặng gói quần áo mà đi, không quên lại mảnh giấy: "Con ghét mẹ". Phụng đi thành phố Hồ Chí Minh, dẫu không biết đi để làm gì. Chẳng qua là dì ruột đang làm việc ở trong đó. Phụng không muốn chia tình yêu của mẹ mình với bất cứ ai.

Xe lửa đã đi qua cơn mưa đêm. Mỹ chập chờn trong giấc ngủ. Mỹ nhớ con, nỗi nhớ ấy cứ bềnh bồng trôi theo tiếng gió thổi ngoài ô cửa tàu. Ngẫm lại thì hạnh phúc đâu dễ dàng đạt được trọn vẹn. Cũng từng nghe những câu chuyện "con anh, con em, con chúng ta", giờ rơi vào hoàn cảnh đó, Mỹ khổ tâm đến dường nào. Nhưng Mỹ không thể để con gái mình đi xa, phải tìm Phụng trở về.

Chuyến tàu đến thành phố phương Nam thì ngưng mưa. Trời chưa sáng hẳn, sân ga đã chộn rộn, ai cũng vội muốn về cho nhanh, những người lái xe taxi và xe công nghệ liên tục hỏi khách: "Anh chị đi về đâu?". Mỹ leo lên một chiếc taxi, xe lao vào thành phố còn uể oải sau giấc ngủ vùi, phố đã có những người ra đường, bắt đầu cho một ngày mưu sinh. Cửa ngôi nhà, em gái Mỹ đã mở cửa chờ cô, dắt Mỹ vào phòng, bé Phụng đang nằm co trên giường ngủ, trên mắt nó còn những giọt nước mắt. Mỹ nằm xuống bên con, ôm con gái của mình. Con bé như biết mẹ đã tới, nó ôm Mỹ mà kêu khẽ khàng: "Mẹ". Phụng ôm Mỹ thật chặt như sợ mẹ mình sẽ tan biến, vì luôn đang đợi Mỹ đi tìm.

Cơn mưa đã tạnh từ rất lâu rồi, con tàu đã lướt qua cơn mưa...

Chia sẻ bài viết